SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
5
3
1
3
Tin tức sự kiện 04 Tháng Sáu 2018 2:45:00 CH

Thông báo kết luận: Chỉ đạo của Thường trực Quận ủy - Thường trực Ủy ban nhân dân quận tại buổi họp về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận

 

Ngày 10 tháng 5 năm 2018, tại Phòng họp A - Ủy ban nhân dân quận, Thường trực Quận ủy - Thường trực Ủy ban nhân dân quận đã tổ chức cuộc họp về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận, đến dự họp có đồng chí Võ Tiến Sĩ - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Bí thư Quận ủy, đồng chí Phạm Quốc Huy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, đồng chí Lê Tấn Tài - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân quận, Ban Dân vận Quận ủy, Ban Tuyên giáo Quận ủy, Ban Chỉ huy Quân sự, Công an quận, Phòng Văn hóa và Thông tin, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quản lý đô thị, Y tế, Kinh tế, Tư pháp, Chi cục Thuế quận, Đội Quản lý thị trường 5B và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Công an 15 phường. Sau khi nghe Ủy ban nhân dân quận báo cáo bước đầu kiểm tra, xử lý vụ việc như báo chí đưa tin về các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm trên địa bàn quận;   ý kiến trình bày của các đơn vị, Thường trực Quận ủy - Thường trực Ủy ban nhân dân quận đã thống nhất chỉ đạo như sau:

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quận:

- Phải thống nhất nhận thức, xác định các biện pháp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc lên án, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cả hệ thống chính trị quận, phường, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh để chống, để ngăn ngừa phát sinh, phát triển các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội.

- Không chấp nhận sự tồn tại của bất kỳ cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.

- Trách nhiệm lên án, đấu tranh bài trừ các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị quận, phường, trước hết là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Công an quận, phường.

- Kiên trì, kiên quyết, chủ động, quyết liệt, kịp thời, có địa chỉ trọng điểm trong từng thời điểm, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, của hệ thống chính trị, của chính quyền quận, phường, nhất là địa bàn đang có cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, tệ nạn xã hội để tạo sự đồng thuận, đồng tình, tham gia lên án, đấu tranh bài trừ các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, tệ nạn xã hội.

- Kết hợp sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của nhân dân với áp dụng tối đa các biện pháp, chính sách quản lý nhà nước hiện hành về kiểm tra, xử phạt, chế tài các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, tệ nạn xã hội để phấn đấu từ nay cho tới Đại hội Đảng bộ phường, Đại hội Đảng bộ quận về cơ bản không để tồn tại các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội trên địa bàn quận (nhà hàng, quán ăn trá hình, vũ trường, karaoke, massage, hớt tóc thanh nữ có hoạt động vi phạm thuần phong mỹ tục, khiêu dâm, kích dục…, trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc, ăn thua dưới mọi hình thức), không để các cơ sở kinh doanh loại này chuyển từ địa bàn phường này sang địa bàn phường khác hoạt động.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không được vận động kinh phí và nhận sự hỗ trợ vật chất, đóng góp các quỹ từ các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm,    có tệ nạn xã hội.

2. Ủy ban nhân dân quận:

2.1. Phân công một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, xử lý công tác này.

2.2. Chỉ đạo các đơn vị: Công an quận, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế, Phòng Y tế, Chi cục Thuế, Đội Quản lý thị trường 5B, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận căn cứ chức năng của ngành, đơn vị, theo quy định pháp luật, lập kế hoạch trình Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận được phân công phụ trách tổ chức đoàn kiểm tra độc lập, có kế hoạch để phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường luân phiên đến kiểm tra liên tục nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, vào giờ cao điểm khách đến các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội, có dư luận xã hội phản ánh, trước hết là 75 cơ sở kinh doanh có trong danh sách do Ủy ban nhân dân quận xác lập trên địa bàn quận. Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức kiểm tra độc lập về:

+ Kiểm tra phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; công tác đảm bảo phòng cháy và chữa cháy, trật tự an toàn xã hội...

+ Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống, cơ sở xoa bóp, các cơ sở hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, nội dung bảng hiệu quảng cáo…

+ Kiểm tra, rà soát việc tuân thủ các quy định của Luật Lao động: Đăng ký khai trình lao động, về hợp đồng lao động, nội quy lao động, an toàn vệ sinh lao động, cập nhật biến đổi về lao động...; pháp lý đăng ký kinh doanh của các cơ sở kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh loại hàng tiêu thụ đặc biệt; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa kinh doanh...

+ Kiểm tra việc đảm bảo trật tự vỉa hè, lòng lề đường; kiểm tra về kết cấu xây dựng của các bảng hiệu tại các cơ sở kinh doanh…

+ Riêng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tăng cường tuyên truyền trong nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh trong việc quản lý các em học sinh vào  thời gian chuyển tiếp giữa các buổi học, sau giờ tan trường, không để tình trạng các em học sinh tiếp cận các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội (trò chơi điện tử máy bắn cá). Giáo dục học sinh về tác hại của tệ nạn xã hội đến bản thân và gia đình. Thực hiện việc giám sát, phát hiện, đề xuất với Ủy ban nhân dân quận các biện pháp xử lý đối với các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội không đạt yêu cầu về khoảng cách tới các trường học theo quy định của pháp luật.

2.3. Tiếp tục chỉ đạo các Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội tăng cường số lượt, số lần kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhạy cảm, nhất là 75 cơ sở có tên trong danh sách do Ủy ban nhân dân quận xác lập trên địa bàn quận.

2.4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân 15 phường:

+ Tiếp tục rà soát danh sách các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm đã được thống kê để tổ chức thực hiện các biện pháp đấu tranh, không cho tồn tại các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, tệ nạn xã hội, trước nhất là những cơ sở có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, có dư luận phản ánh bức xúc trong cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường có trách nhiệm báo cáo đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận được phân công trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xử lý công tác này hoặc liên hệ thủ trưởng các phòng,ban, đơn vị quận hỗ trợ khi cần thiết.

+ Lắp đặt hệ thống camera quan sát và gắn bảng cảnh báo camera an ninh tại khu vực có các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội, kết nối với Trung tâm tích hợp hình ảnh camera giám sát an ninh trật tự tại Công an quận. Giao trách nhiệm cho Bí thư chi bộ khu phố, Trưởng Ban vận động khu phố, Tổ trưởng Tổ dân phố, cảnh sát khu vực vận động nhân dân giám sát, phát hiện, tố giác, tham gia cùng các cơ quan chức năng của quận và phường đấu tranh trực diện (phản đối, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh nhạy cảm chấm dứt những hoạt động gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư…) với chủ, đại diện chủ các cơ sở kinh doanh nhạy cảm, tệ nạn xã hội tại địa bàn dân cư của mình.

3. Ban Tuyên giáo Quận ủy:

- Phổ biến, tuyên truyền chủ trương, sự quyết tâm của quận đến toàn thể các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc lên án, đấu tranh, phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.

- Thông tin rộng rãi trong nhân dân thông qua nhiều hình thức về các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, phát sinh tệ nạn nhằm vận động, phát huy vai trò nhân dân giám sát, tham gia lên án, đấu tranh, phòng, chống tệ nạn xã hội trên     địa bàn quận.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể: có kế hoạch cụ thể để hướng dẫn và hỗ trợ cơ sở tăng cường tuyên truyền tác hại của tệ nạn xã hội, giá trị nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân lên án mạnh mẽ các tệ nạn xã hội, hậu quả của tệ nạn cờ bạc, sử dụng lao động nữ vào các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Từ năm 2018, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân 15 phường để xảy ra trường hợp cơ sở kinh doanh phát sinh tệ nạn xã hội thì chưa xem xét tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh, phường văn minh đô thị, đơn vị văn hóa; đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Công an các phường phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Thường vụ Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận nếu để xảy ra các hậu quả về tệ nạn xã hội tại các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, có tệ nạn xã hội trên địa bàn phường do mình phụ trách.


Số lượt người xem: 1068    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm