SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
4
4
7
2
Tin tức sự kiện 11 Tháng Sáu 2018 9:35:00 SA

Tiếng Việt: Tài sản vô giá cần giữ gìn và sử dụng cẩn trọng

 

Nước Việt ta tự hào có bốn ngàn năm văn hiến – nghĩa là có bề dày văn hóa từ rất sớm so với nhiều nước khác. Tiếng Việt, ngôn ngữ Việt chính là một thành tố quan trọng trên tiến trình hình thành quốc gia, dân tộc, và là vốn quý của ngàn đời tổ tiên để lại. ai đó đã từng nghe câu hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời. Mẹ hiền ru những câu xa vời… ạ… ời…!” mà không khỏi xao xuyến trong lòng? Đã sinh ra, lớn lên và sống ở đất nước này, trong tâm thức của mỗi người tự nhiên đều có tình yêu tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ, đẹp và trong sáng vô ngần.

Tiếng Việt giờ đây đang bị vẩn đục, không chỉ do vài cá nhân khoác áo quan chức hay nhà khoa học. Cụ thể, có trường hợp người chạy xe phía trước quẹo ẩu, xe đi sau không “đỡ “ được, thế là đụng xe, thành tai nạn. Sự việc đơn giản ấy được một tờ báo mô tả: “Tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện chạy phía trước đột ngột chuyển hướng mà không thực hiện thao tác bật đèn báo tín hiệu chuyển hướng, khiến người điều khiển phương tiện lưu thông phía sau không kịp giảm tốc độ nên đã gây va chạm, hậu quả là…”

Trong quá khứ, hai chữ “đối tượng” một thời để chỉ những người đang được xem xét, thử thách trước khi gia nhập chính thức vào Đảng, vào Đoàn thanh niên: Đối tượng Đảng, đối tượng Đoàn. Thậm chí còn dùng để chỉ… người yêu: Cô ấy có “đối tượng” rồi! Bây giờ, cũng hai chữ ấy, đang được lạm dụng để chỉ những người có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Đây chính là một điển hình của việc dùng chữ Việt không đúng, hậu quả mỗi thời điểm dẫn đến một ý nghĩa gần như khác biệt, thật ra là đối nghịch. Bản thân từ “đối tượng” hoàn toàn không mang ý nghĩa để chỉ người, dù có nhiều nghĩa, tùy theo trường hợp.

Còn nhiều và rất nhiều trường hợp dùng chữ tùy tiện, gọi không đúng tên của sự vật, đôi khi cố ý nhằm tránh né sự thật. Ngành giao thông đã “sáng tạo”, gọi kẹt xe là “ùn tắc”, hay “ùn tắc tạm thời”, “ùn nhưg không tắc”. Bộ phận Dự án chống ngập của thành phố gọi những điểm đường nước ngập lênh láng là ‘nước đọng thoát chậm”, bất chấp thực tế nước ngập lút bánh xe, ghe xuồng có thể nhởn nhơ bơi dạo phố.

Chốn thương trường cũng không hề thua kém khi tích cực làm loạn tiếng Việt. Không ít cửa hàng treo bảng “Giá giật mình”, “Giá sập sàn” và bi kịch hơn: “Giá nhảy lầu”. Nhiều câu quảng cáo vượt quá ngưỡng khoa trương, trở thành xảo ngôn, nhưng sử dụng liên tục và lập lại nhiều lần khiến dân tình quen mắt đọc, tai nghe, đe dọa di hại lâu dài cho tiếng Việt.

“Danh chính ngôn thuận” chính là điều cần phải làm, ở mọi cấp độ của hệ thống chính trị. Người làm chính trị chuyên nghiệp phải tự biết không lập ngôn bừa bãi, không né tránh, gọi đúng tên, xử lý đúng vấn đề.

Quận 5 tập trung đông đảo đồng bào gốc Hoa, việc giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt rõ ràng phức tạp hơn, nhưng có thể thấy thực tế Quận 5 đang làm khá tốt. Các pano cổ động, khẩu hiệu chính trị, bảng hiệu cửa hàng... nhiều nhan nhãn trên đường, nhưng chưa thấy vướng lỗi tiếng Việt. Điều cần thiết khác là nhìn về tương lai, khi trọng trách bảo vệ, gìn giữ tiếng Việt sẽ đặt trên vai của các thế hệ thiếu niên, nhi đồng hôm nay. Ngoài sự giáo dục của gia đình, vấn đề giáo dục tiếng Việt chu đáo cho các em ở nhà trường là cực kỳ quan trọng, nhất là ở giai đoạn đầu đời, cấp tiểu học, thuộc hệ thống giáo dục do cấp quận quản lý.

Nên chăng xuất phát từ đặc điểm riêng của mình, Quận 5 cần có một chương trình khuyến học tiếng Việt mang tính dài hạn, thường xuyên, trong đó bao gồm bồi dưỡng thêm nghiệp vụ, kỹ năng cho các thầy cô, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tiểu học rèn luyện tốt mọi kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chuẩn tiếng Việt, vun đắp tình yêu tiếng Việt cho các em ngay từ tuổi ấu thơ?

Chính thế hệ các em nhỏ hôm nay sẽ là những người giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong tương lai.


Số lượt người xem: 1090    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm