Nằm khiêm tốn trên một con đường nhỏ hẹp và ngắn ngủn – như dấu tích của một Chợ Lớn thuở ban sơ – khu kinh doanh cá cảnh đường Lưu Xuân Tín thuộc Phường 10, Quận 5 là một trong hai khu vực kinh doanh cá cảnh lâu đời nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước năm 1945, vùng Sài Gòn có khu chợ Cũ gần đường Hàm Nghi và vùng Chợ Lớn có khu đường Lưu Xuân Tín và một phần đường Trần Hòa là kinh doanh cá cảnh. Chợ cá cảnh đường Nguyễn Thông, Quận 3 chỉ xuất hiện về sau này và nay ở chợ Cũ cũng không còn ai mua bán cá cảnh.
Nhiền người biết và am hiểu thương trường Quận 5, nhiều chợ đầu mối và trung tâm mua bán sỉ, nhưng hầu hết là không để ý đến khu cá cảnh đường Lưu Xuân Tín và vô cùng bất ngờ khi biết đây cũng chính là chợ đầu mối cá cảnh lớn nhất nước hiện nay. Ngay trong địa bàn thành phố, 2/3 số cửa hàng cá cảnh đang kinh doanh là mối mua hàng thường xuyên của “chợ sỉ” Lưu Xuân Tín – Một chủ cửa hàng tại đây khẳng định! Đó là chưa kể một số cửa hàng cá cảnh ở nơi khác vốn là “chi nhánh” hoặc “cơ sở 2” của một số cửa hàng trong khu này.
THẤY GÌ Ở CHỢ CÁ CẢNH?
Một số cửa hàng mở cửa từ 6 giờ sáng và mua bán đến chiều tối. Hàng trăm loại cá, phần lớn là cá nước ngọt, được kinh doanh với giá mỗi con từ vài ngàn đồng đến vài triệu – như cá rồng chẳng hạn, còn chia ra là ngân long, hồng long, kim long… theo màu vảy cá. Các loại phổ biến, gần như cửa hàng nào cũng có là cá vàng, cá chép Nhật, cá Ông tiên, cá bảy màu, cá Tứ vân, cá Xiêm… Nhiều loại cá cái tên nghe lạ hoắc, nhưng vẫn có người bán kẻ mua: Trân Châu, Cánh buồm, Bình tích, Hỏa tiễn, Tỳ bà, Phượng hoàng, Da báo mỏ vịt, Quan đao, Mắt Ngọc, Trường Giang Hổ, Lông gà, Bút chì… Thậm chí có những tên cá thật dữ dội: Khủng long, Rambo, Thành Cát Tư Hãn!
Một vòng chợ cá, mới thấy nghệ thuật đặt tên cho sản phẩm hàng hóa là cá dường như đã được “nâng lên một tầm cao mới”. Hồi thập niên 90, cá rô phi đơn tính mới du nhập và phát triển, người kinh doanh đã nhạy bén đặt tên “điêu hồng” cho loại rô phi đơn tính màu hồng – nghe hay hay – và nhờ vậy thị trường tiêu thụ mạnh, “chết tên” cho tới nay. Giờ đây, “ông” Thành Cát Tư Hãn cá cảnh vểnh râu bơi trong hồ vốn có tên cúng cơm là cá vồ cờ, sống trong tự nhiên trên dòng sông Mekong, vào hồ cá cảnh bỗng dưng khoác cái tên thật kêu, sặc mùi chiến chinh, nhưng hình như cũng có phần đúng ở chỗ bản tính hung hãn, có lẽ là giống nhau.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp thành phố, toàn thành có khoảng 280 cửa hàng kinh doanh cá cảnh, và khoảng chừng ấy số trại nuôi, hộ nuôi cá cảnh, cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 150 triệu con. Cá cảnh trên thị trường hiện nay phần lớn được cung ứng từ sản xuất trong nước, một số ít từ nguồn đánh bắt tự nhiên và nhập khẩu.
NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN CỦA NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ
Điều rất độc đáo là cá cảnh được lựa chọn làm ngành kinh tế mũi nhọn, trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố trong thời gian tới. Thành phố Hồ Chí Minh – đô thị lớn nhất nước – cũng là địa phương duy nhất trong số 63 tỉnh thành, chọn cá cảnh làm ngành kinh tế mũi nhọn, mặc dù qui mô ngành này còn khá khiêm tốn.
Năm 2017 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt trên 20 triệu USD, và mục tiêu là 50 triệu USD năm 2020. Các loại cá xuất khẩu dài hơn 70 loại: cá dĩa, cá ông tiên, cá phượng hoàng, tai tượng… và trên cả sự tưởng tượng, còn có những loại cá hết sức bình thường: cá xiêm, cá sặt, cá chạch rắn, cá bảy màu, cá lòng tong. Cá cảnh từ thành phố đang được xuất sang 52 quốc gia khác, ở mọi châu lục, trong đó gồm toàn bộ 7 nước phát triển nhất, gọi tắt là nhóm G7.
Về hiệu quả của sản phẩm cá cảnh xuất khẩu, cụ thể là cá bảy màu, giá xuất tại trại nuôi là 2.000đ/cặp, tiêu thụ nội địa, còn giá bán tại thị trường châu Âu là 3Euro – tương đương 80.000đ.
Chị Hoa, một người bán cá cảnh lâu năm cho biết: thương nhân nước ngoài vẫn thường mua hàng để xuất khẩu ra nước ngoài, thường là nước của họ hay lân cận. Mua quen, khi cần họ có thể gọi điện thoại hoặc gửi email đặt trước cả tháng.
Rõ ràng, triển vọng xuất khẩu cá cảnh là sáng sủa, kèm với tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn, diện tích sản xuất bố trí đúng qui trình kỹ thuật cũng không cần lớn lắm… chính là lựa chọn đúng đắn cho nông nghiệp đô thị như thành phố của chúng ta.
Quận 5, trên nền tảng có sẵn một khu kinh doanh cá cảnh mang tính đầu mối, hoàn toàn thuận lợi để tổ chức các nguồn nhân lực có tay nghề, tiềm lực tài chính vững tham gia chương trình phát triển cá cảnh xuất khẩu của thành phố trong những năm tới.