SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
3
1
3
6
Tin tức sự kiện 25 Tháng Sáu 2018 10:40:00 SA

Chim cảnh: Niềm đam mê và nghề kinh doanh, thời cúm A hoành hành

 

Không biết tự bao giờ, chim làm bạn với người, nhưng lịch sử ghi nhận chim bồ câu đưa thư, chim ưng săn mồi cho chủ nhân… là việc bình thường từ thuở xa xưa, hơn ngàn năm trước. Riêng nước Việt ta, sử sách ghi rõ thời Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc nhà Minh, có hai vị tướng nổi tiếng nghề nuôi bồ câu đưa thư là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Chích, không ít lần nhờ bồ câu đưa thư kịp thời, Lê Lợi biết rõ địch tình, cầm quân đánh thắng quân xâm lược hoặc thoát vây an toàn.

Người dân thành phố không lạ gì bức tượng Trần Nguyên Hãn trên tay có chú chim bồ câu, sừng sững trên công viên vòng xoay trước chợ Bến Thành, có từ trước năm 1975. Nay tượng đã được dời tạm về công viên Phú Lâm, do thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Thiên nhiên Việt Nam xinh đẹp, đa dạng, do vậy thuộc về nhóm quốc gia có sự đa dạng cả về các loại chim, với tổng cộng 848 loài, hiện diện ở tất cả các vùng miền. Phổ thông như bồ câu có tới 22 loài, chào mào 20 loài, chích chòe 58 loài… Nuôi chim trở thành một thú vui của nhiều người Việt Nam, thậm chí là một niềm đam mê khó dứt bỏ.

Phố thị Sài Gòn ngột ngạt, đông đúc và chen chúc những người và xe, đi vội vàng, làm càng hối hả, nên người ta có xu hướng tìm lại một chút thiên nhiên lúc rổi rảnh, cho cuộc sống thăng bằng hơn. Trồng cây, nuôi cá, nuôi chim… ở mọi ngóc ngách có thể: góc phòng có hồ cá, lan can có chậu cây, treo kèm lồng chim bên trên… là sự thường.

Phục vụ nhu cầu này là một thị trường chim – cá – kiểng rộng lớn trải khắp nội, ngoại thành. Riêng về chim cảnh, hiện có ba địa điểm khá tập trung người kinh doanh: Quận 1 ở Tao Đàn, Quận 10 ở đường Lê Hồng Phong và Quận 5 ở bùng binh Thuận Kiều.

THUẬN KIỀU – NƠI BÌNH MINH CHIM HÓT

Có những quán cóc vỉa hè gần bùng binh Thuận Kiều, vừa uống cà phê, vừa ngắm chim cảnh, nói chuyện chơi chim và bình phẩm, mua bán, ngã giá, lẫn học hỏi nhau về cách chăm  sóc chim, vì mỗi loại chim tùy mục đích nuôi và tập tính riêng, có những cách chăm sóc khác nhau cho chim hót hay, đá giỏi, bay xa… Uống cà phê và nghe đủ thức tiếng hót của nhiều loại chim, có lẽ chỉ nơi chợ chim mới có, và thật khó tìm một nơi thứ hai ở Quận 5 như nơi này.

Đủ loại chim được bày bán: yến phụng, chào mào, két, chích chòe, sáo, họa mi, bồ câu, chim cu, bìm bịp… Không thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng còn có người chạy xe máy đến bán vài loại chim thứ dữ: ó, đại bàng, diều… Giá cả tùy loại, bình dân như yến phụng, chào mào, két chỉ vài chục ngàn. Loại “trung Lưu” là chích chòe, sáo, chim cu, bìm bịp có giá hàng trăm ngàn. Họa mi được kể vào loại “thượng lưu” do hót hay, vận chuyển xa, từ các tỉnh cao nguyên hoặc phía Bắc vào. Bồ câu nuôi làm cảnh giá cũng không đắt, tùy loại giống nội địa hay ngoại nhập.

Riêng chim chích chòe, hai loại chích chòe lửa và than khá “hiếu chiến”, thường dùng để đá – còn gọi là chọi chim. Tương tự đá gà, chim được để lồng gần nhau, được khiêu khích đến khi hăng máu thì hai lồng áp vào nhau, cửa lồng đối diện và đồng loạt rút lên. Hai đấu sỉ chim sẽ lao vào nhau mổ, vật, ghì đè đối phương xuống đất, tìm thế để tung đòn sát thủ: mổ mù mắt kẻ địch! Chim đá có khi kéo dài đến vài chục phút mới phân thắng bại. Kẻ thua trận vừa chạy trốn, vừa kêu la ỏm tỏi.

Những trận đá chim thường đi kèm với cá độ - như đá gà – nhưng ít bị để ý hơn vì diễn ra ở phạm vi hẹp.

NHỮNG DŨNG SỈ MARATHON TRÊN BẦU TRỜI

Nếu đá chim là một kiểu chơi chim không đáng khuyến khích, đua chim lại khác hoàn toàn.

Chim dùng để đua là bồ câu, được nuôi dưỡng kỹ càng, hàng tuần,hàng tháng đều phải trải qua những đợt tập luyện bay khác nhau: bay đường dài, bay ngược gió, bay thời tiết xấu…

Phong trào chơi chim bồ câu đua ban đầu khởi đi từ Quận 5, lan dần trong cộng đồng người Hoa, nay đã tỏa rộng, người chơi đông, chim đua cũng nhiều. Hiện tháng nào cũng có đua chim và có cuộc đua số chim tham gia lên tới hàng trăm, kèm theo giá trị giải thưởng hàng chục triệu đồng.

Đua chim thường diễn ra theo một trong ba thể thức đua: đua chặng, đua bốn hướng và đua tiến lên. Đua chặng đơn giản, chẳng hạn Vũng Tàu – Sài Gòn hay Phan Thiết – Sài Gòn, chim bay về đích sớm nhất là thắng giải. Đua bốn hướng cũng tương tự, nhưng khó hơn ở chỗ chim được lần lượt thả từ bốn hướng khác nhau, mỗi chuyến bay vì thế phải vừa định hướng tốt, vừa bay nhanh về đích. Chim thắng giải là chim có tổng thời gian bay ít nhất trên cả bốn hướng.

Đua tiến lên mới thực sự cam go. Cuộc đua chia làm nhiều chặng, chặng sau xa hơn chặng trước. Kẻ thắng cuộc phải có thời gian bay ít nhất tính trên toàn bộ các chặng đua – giống như đua xe đạp đường trường. Đã có cuộc đua Nghệ An – Sài Gòn, cự ly tương đương hơn 1000km – tính theo đường chim bay. Không riêng chim thắng giải, với hành trình đua này, tất cả chim về đích đều xứng đáng được tôn vinh là những dũng sĩ marathon trên bầu trời: tất cả chúng đều bị giảm gần 30% trọng lượng cơ thể sau cuộc đua.

Mặt khác, đua đường dài luôn hàm chứa nhiều rủi ro, do lạc lối, do kiệt sức hoặc tai nạn ngẫu nhiên, thông thường sẽ có khoảng 20% chim đua không về đích và… mất tích.

Mỗi chim đua đều được gắn  mã số riêng dưới chân và đóng dấu giáp lai trên cánh để tránh gian lận. Dựa vào đặc điểm này, không ít chủ chim mất tích sau đó đã rao mạng, mong tìm lại được chú chim thân yêu của mình, dẫu biết là vô vọng – “Tìm em như thể tìm chim…”!

(Còn tiếp 1 kỳ)


Số lượt người xem: 1229    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm