Kể từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh hoặc đổ máu trên các chiến trường nên “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời đầu năm 1946 ở Huế rồi đến Hà Nội và một số tỉnh khác … Một thời gian sau được đổi tên thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có tổng hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự.
Ngày 19/12/1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sỹ hi sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh, liệt sỹ đã trở thành một chủ trương lớn. Từ yêu cầu nhiệm vụ cấp bách đó, cùng với nhiệm vụ giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đó là văn bản đầu tiên có tính pháp lý khẳng định tính chất quan trọng đối với thương binh, liệt sĩ trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Ngày 27/7/1947 được chọ là “Ngày thương binh toàn quốc” đầu tiên. Để làm tốt công tác thương binh (Thuộc chính trị cục, quân đội quốc gia Việt Nam) được thành lập. Đầu tháng 7 năm 1947 thành lập ban vận động tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”. Sau đó tại xóm Bàn Cờ, xã Hưng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã có một cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất lấy ngày 27/7 hàng năm là “Ngày thương binh toàn quốc”. Chiều ngày 27/7/1947, tại xã Hưng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn. Ngày thương bình đầu tiên ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt thành phố Sài Gòn – Gia Định cũng được tổ chức long trọng. Để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Từ tháng 7 năm 1955, “Ngày thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam từ 1970, chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã lấy ngày 01/12 hàng năm làm “Ngày thương binh liệt sĩ”. Từ đó hàng năm đến ngày 01/12, Ủy ban trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đều cử các đoàn đại biểu đến tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ. Đồng thời có thư động viên, thăm hỏi và nhắc nhở quân, dân các địa phương quan tâm giúp đỡ, chăm sóc các đối tượng trên …
Sau khi miền Nam được giải phóng, Tổ quốc đã thống nhất. Ngày 08/7/1975, Ban bí thư trung ương Đảng có chỉ thị số 223/CT-TW, lấy ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” cả nước.
Hàng năm cứ đến ngày 27/7, “Ngày thương binh liệt sĩ”, cả nước ta đã có nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với Cách mạng. Đó là truyền thống, là nghĩa cử cao đẹp của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, hiện nay hàng vạn thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã thường xuyên nổ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người đã gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác và học tập, tham gia nhiều hoạt động của các cấp từ Trung ương đến địa phương và trở thành những doanh nhân thành đạt, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua … Đặc biệt sống trong cộng đồng dân cư họ là những người công dân kiểu mẫu, gia đình văn hóa tiêu biểu.