SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
1
1
0
0
Tin tức sự kiện 16 Tháng Bảy 2018 9:00:00 SA

Di sản và lớp bụi thời gian

 

Với “50 năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM” *- thì điểm nhấn rõ nét của quyển sách là ký ức của những năm tháng mà các văn nghệ sĩ đã sống, chiến đấu, lao động sáng tạo trong giai đọan chiến tranh hết sức gian khổ nhưng đầy ắp nghĩa tình. Trong đó, đặc biệt nổi bật là phần chân dung của nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu - tuy mỗi người đến với văn học nghệ thuật từ nhiều nơi, từ nhiều giai tầng, dù là theo Nho học hay theo Tây học, người ở bưng biền hay sống nơi thành thị, người theo đuổi trường phái nghệ thuật này, người say đắm trường phái nghệ thuật khác, người đang dò dẫm tìm kiếm thử sức thử tài, tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nước thương nòi, đã làm nên nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, góp phần làm cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam thật sự là một nền văn học nghệ thuật vừa phong phú vừa sâu sắc giá trị nhân văn.

Đối với lĩnh vực kiến trúc, văn học, mỹ thuật và nhiếp ảnh, nếu kiến trúc sư, nhà văn, họa sĩ, hay nghệ sĩ nhiếp ảnh khi đã hy sinh hay khi qua đời, thì tác phẩm của họ vẫn tồn tại một cách độc lập, bằng công trình kiến trúc, bằng việc in sách in báo hoặc bằng các cuộc triển lãm mà người xem, người đọc của nhiều thế hệ vẫn có thể thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn. Nhưng ở lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh và múa, tác phẩm văn bản, tức là một bản nhạc, một ca khúc, một kịch bản sân khấu, một kịch bản điện ảnh, một kịch bản múa khi còn nằm trên trang giấy (hay ngay cả được in thành sách) thì chưa trở thành một tác phẩm hòan chỉnh và chưa thể đến được với công chúng một cách trọn vẹn, bởi bản chất của những lọai hình nghệ thuật này phải được biểu diễn, được hát lên, được ghi hình được ghi âm…

Là một thành viên trong nhóm thực hiện quyển sách, đồng thời cũng là một ngừơi sáng tác, tôi vô cùng nể phục trước tài năng và nội lực sáng tạo nghệ thuật của nhiều văn nghệ sĩ giàu tâm giàu tài cùng những đóng góp to lớn của họ; nhưng đồng thời, trong tôi cứ trở đi trở lại cái cảm giác như ray rứt, như tiếc nuối khi nhận ra nhiều di sản - nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đang dần dần bị lớp bụi thời gian phủ lên và nhiều chân dung sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tỏa sáng một thời đã gần như bị lãng quên hoặc chỉ còn biết đến bằng những ký ức ngắn ngủi của một vài ngừơi cùng thời còn ghi lại được. Nhất là đối với không ít nghệ sĩ biểu diễn, dù là nghệ sĩ tài danh như NSND Tám Danh ( ông sinh năm 1901, người được truy tặng NSND đợt nhất (1984), được coi là cây đại thụ của nghệ thuật cải lương), rồi NSND Năm Đồ, NSND Ba Vân, NSND Thành Tôn và nhiều tên tuổi lừng danh khác… cùng với thời gian, có lẽ cũng sẽ như NSND Tám Danh, rồi cũng chỉ còn cái tên được nhắc đến, còn lao động nghệ thuật của họ, sản phẩm nghệ thuật đã không chỉ là của riêng họ, nếu không đựơc lưu giữ rồi cũng sẽ mất tăm tích trong đời sống, sẽ bị vùi sâu dưới lớp bụi thời gian. Ngay như những kịch bản sân khấu trở thành những mẫu mực của nghệ thuật cải lương của những bậc thầy tài hoa như NSND Năm Châu, của các tác giả Trần Hữu Trang, Thanh Nha, Phạm Ngọc Truyền, Ngô Y Linh…mà có lẽ không chỉ những người chập chững bước chân vào lĩnh vực sân khấu như tôi đều khao khát được đọc được học, cũng đã không dễ dàng được tiếp cận bằng văn bản, dù đó là kịch bản văn học của lọai hình nghệ thuật mà thời gian đã minh chứng sức sống và sự lan tỏa của nó (trong khi nghệ thuật Chèo không thể bén rể ờ miền Trung, miền Nam thì nghệ thuật Cải lương ngày một sinh sôi ở phía Bắc). Để có được sức sống kỳ diệu đó, có lẽ do nghệ thuật cải lương đã có được một lớp người tài danh chung lưng đâu cật xây một nền móng vững chắc.

Một khi thiếu trân quý giá trị sáng tạo của lớp người đi trước, không biết lưu giữ nâng niu di sản tinh thần, di sản văn hóa thì tương lai sáng tạo của người nghệ sĩ cũng như của cả nền văn học nghệ thuật, có lẽ cũng hết sức mịt mờ.

Vì vậy, việc lưu giữ và phổ biến các tác phẩm cùng ký ức về con người sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có giá trị lâu bền là hết sức cần thiết và cũng vô cùng cấp bách. Đó không chỉ là sản phẩm tinh thần, là trí tuệ, là tình cảm của dân tộc mà còn là kho tàng tri thức và là một trữ lượng cảm xúc dồi dào của các bậc nghệ sĩ tiền bối, giúp cho các thế hệ sáng tạo (và công chúng) tiếp nối, thưởng thức, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập không chỉ ở tác phẩm mà còn ở cốt cách của những con người trực tiếp làm nên tác phẩm có sức sống bền bỉ với thời gian. Đó còn là thứ của cải vô giá, là di sản tinh thần, không chỉ là của một quốc gia, một dân tộc.

Việc lưu giữ, kế thừa những tinh hoa sáng tạo của văn nghệ sĩ thế hệ vàng của nền văn học nghệ thuật nước nhà có lẽ không phải nhọc công như ngành khảo cổ đi khai quật từ lòng đất để tìm kiếm những di chỉ văn hóa bị vùi lấp hàng trăm năm hoặc còn hơn thế nữa; và dù đã khá muộn, nhưng nếu bắt tay vào thực hiện; thực hiện bằng chủ trương, bằng chính sách và thực hiện bằng chương trình hành động cụ thể ở mỗi ngành nghệ thuật…hy vọng chúng ta vẫn có thể gìn giữ được, dĩ nhiên không phải là tất cả, những di sản tinh thần quý giá. Khi những tác phẩm nghệ thuật đã được định vị trong lòng công chúng của nhiều thế hệ, được lưu giữ và phổ biến rộng rãi, có lẽ sẽ góp phần không nhỏ trong việc lấp đi được phần nào khoảng trống của sự thiếu hụt các tác phẩm có sức làm lay động lòng người.

Khi di sản văn học nghệ thuật được bảo tồn, lưu giữ và được phát huy giá trị, được tiếp tục lan tỏa đó còn là động lực thúc đẩy sự sáng tạo đối với mỗi văn nghệ sĩ có tâm có tài.

Và có lẽ đó cũng chính là ý nghĩa của cái mốc kỷ niệm nửa thế kỷ văn học nghệ thuật TP.HCM, để mỗi chúng ta nhìn lại, suy ngẫm và bước tiếp.                                            

* Quyển sách do Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và NXB Văn hóa - Văn nghệ, phối hợp thực hiện.


Số lượt người xem: 1104    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm