SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
0
6
9
8
Tin tức sự kiện 23 Tháng Bảy 2018 7:25:00 SA

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

 

Ngày 19/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá tình hình và nguyên nhân; đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. 

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII lần này đã kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đó đến nay với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế.

Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Điểm mới trong mục tiêu tổng quát là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Nghị quyết số 26-NQ/TW lần này cũng nhằm cụ thể hóa những nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ; đồng thời, cũng để đồng bộ với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các Nghị quyết Trung ương 5, 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết nêu rõ:

Đến năm 2020: Phải thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ;  Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên;  Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2025:  Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hoá, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Cơ bản bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Đến năm 2030:  Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng. Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.

Cụ thể là:  Đối với cán bộ cấp chiến lược: thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (đối với quân đội, công an có quy định riêng của Bộ Chính trị).

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương: từ 20 - 25% dưới 40 tuổi; từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương nghị quyết nêu rõ, từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện dưới 40 tuổi. Cán bộ chuyên trách cấp xã 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

Tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an là tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sức chiến đấu cao; có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Mục tiêu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia là đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học ở những lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh, đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Số cán bộ khoa học đạt ít nhất 11 người trên 1 vạn dân”.

Với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước, muc tiêu là “nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; sản xuất kinh doanh hiệu quả; từ 70 - 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế .

Nghị quyết cũng nêu rõ, “phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư”.

Trong các mục tiêu cụ thể nêu trên có nhiều điểm mới, mỗi giai đoạn xác định rõ một số mục tiêu. Các mục tiêu ngày càng cao hơn qua các giai đoạn. Chẳng hạn, đến năm 2030 nhấn mạnh tỷ lệ cán bộ trẻ và nhất là có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đối với mỗi loại cán bộ.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. Thể chế hoá, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng: Đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Coi trọng trang bị kiến thức về công tác cán bộ cho lãnh đạo các cấp. Tập trung nâng cao chất lượng bí thư cấp uỷ, người đứng đầu các cấp và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và đáp ứng yêu cầu, theo hướng: Phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể, có triển vọng phát triển. Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Thể chế hoá, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ.

Và để thực hiện 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác cán bộ, Nghị quyết yêu cầu tập trung vào 2 trọng tâm và 5 đột phá.

Hai trọng tâm là: Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thứ hai, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp uỷ, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Năm đột phá là: 

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; 

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; 

Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện; 

Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài; 

Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII với những giải pháp toàn diện, vừa bảo đảm tính lý luận, vừa gắn với thực tiễn, có tiếp thu, kế thừa những giải pháp cũ, có những giải pháp mới, mang tính đột phá chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị về xây dựng đội ngũ cán bộ thời gian tới. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ chỉ rõ: "Để thực hiện có kết quả nghị quyết, tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm cho nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được”.  

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

- ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2018, trang 44 đến 82, 185, 186.

- BTGTW: Tài liệu nghiên cứu Các văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCH TW Đảng khóa XII, NXB CTQGST, HN, 2018. (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên).


Số lượt người xem: 1192    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm