Từ ngày 11 đến ngày 13/9/2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Asean (WEF) sẽ diễn ra tại Hà Nội, là sự kiện đối ngoại lớn nhất của nước ta trong năm nay, với gần 1.000 đại biểu đến từ 40 quốc gia, trong đó có 9 vị nguyên thủ hoặc thủ tướng các nước.
Chủ đề chính của WEF đã được lựa chọn: “ASEAN 4.0, tinh thần doanh nhân và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Sự kiện này chính là lời khẳng định: thế giới chúng ta đang sống đã bước vào thời kỳ mọi thứ đều đang thay đổi rất nhanh, tới mức quốc gia nào cũng lo mình chậm chân lỡ bước, quyết không chịu cảnh “Cũng đành… xin làm người đến sau”!
Một sự kiện khác, nhỏ hơn rất nhiều, nhưng là lần đầu tiên trên thế giới, diễn ra tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản: vận hành thử nghiệm xe taxi tự lái trên đường phố, hành khách có nhu cầu có thể đặt chuyến, gọi xe trực tuyến và sử dụng ứng dụng smartphone để mở cửa, lên và xuống xe. Giá đi taxi tự lái rẻ hơn taxi có người lái, vì doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí lương tài xế. Hoạt động từ ngày 27/8/2018, Nhật Bản hy vọng taxi thông minh sẽ trở nên phổ thông vào năm 2020.
Cùng ngày 27/8/2018, Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản đã khai mạc tại Hà Nội, Đà Nẵng, kéo dài đến 31/8/2018. Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin được xúc tiến mạnh, vì ngành này ở Nhật đang thiếu nhân lực trầm trọng, cần khoảng 170.000 kỹ sư trước mắt và dự báo đến năm 2030, sẽ cần đến 600.000 kỹ sư cho nhu cầu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – còn gọi là công nghiệp 4.0.
Việt Nam hiện đang được xem là có nguồn nhân lực mạnh về công nghệ thông tin so với các nước trong khu vực, với hơn 50.000 sinh viên đại học, cao đẳng theo học hàng năm, đang nỗ lực tham gia hành trình phát triển công nghiệp 4.0 để không tụt hậu. Các đô thị lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn… đều khẳng định mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. Chính phủ đang gấp rút xây dựng chính phủ điện tử. Một số doanh nghiệp đã đi vào quá trình sản xuất với robot được lập trình theo trí tuệ nhân tạo – một tiền đề dẫn tới nhà máy sản xuất thông minh của công nghiệp 4.0.
Tuy vậy, thực tế không phải là màu hồng đẹp đẽ. Đa phần máy móc thiết bị dùng trong sản xuất ở nước ta là lạc hậu, cũ kỹ, do thói quen tận dụng lẫn do thiếu vốn đầu tư đổi mới. Sản xuất 4.0 cũng đồng thời tiết kiệm nhân công, nên các ngành dệt may, da giày tương lai sẽ không cần tới hàng triệu công nhân như hiện nay. Riêng về đô thị thông minh, thành phố đã bắt tay vào việc khởi động, với ba đơn vị đầu tiên được chọn triển khai thí điểm là Quận 1, Quận 12 và khu đô thị mới Thủ Thiêm, cùng một số trung tâm kỹ thuật mang tính tạo dựng nền móng cho một đô thị thông minh tương lai.
Tại Quận 5, có thể thấy những điểm tựa ban đầu cho hành trình 4.0: địa bàn tập trung trên diện tích hẹp, nhưng lại dồi dào nguồn nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng tọa lạc trên địa bàn – đặc biệt là trường đại học Khoa Học Tự Nhiên - Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh – đơn vị hàng đầu về nghiên cứu – đào tạo các lĩnh vực của thời đại 4.0: công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y – sinh học… với nhiều trung tâm trực thuộc.
Nhu cầu phát triển công nghiệp 4.0 đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, là động lực chính cho tiến trình, cũng chính là một thế mạnh Quận 5 đang có. Cái độc đáo quyết định sức cạnh tranh trong thời đại công nghệ là không còn phụ thuộc vào qui mô sản xuất lớn hay nhỏ, mà là sản phẩm có hàm lượng chất xám trí tuệ đầu tư trong đó, kèm theo một hệ thống thăm dò thị hiếu, nắm bắt nhu cầu được lập trình bời trí tuệ nhân tạo. Trên thực tế, các dịch vụ gọi xe Uber hay Grab, bán hàng trực tuyến như Alibaba hay Lazada đều là những sản phẩm đi ra từ ứng dụng công nghệ, đáp ứng đúng nhu cầu, bật lên phát triển mạnh và rộng khắp trong thời gian rất ngắn.
Một trung tâm thương mại, dịch vụ năng động như Quận 5 chắc chắn không thiếu những doanh nghiệp, doanh nhân kịp thích nghi với thời đại 4.0. Đồng thời với sự chuẩn bị của thành phố, phải chăng Quận 5 cũng đang có những kế hoạch tương ứng theo đề án thành phố thông minh, góp phần hình thành môi trường sáng tạo và khởi nghiệp cho cộng đồng?
Chuyến tàu 4.0 đi qua chỉ một lần và mãi mãi không trở lại. Nhiều chuyên gia đã nhận định đây là cơ hội mang tính lịch sử cho những nước kém phát triển, ở trình độ công nghiệp 2.0 như nước ta nắm lấy để có cuộc bứt phá, thoát ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình. Vấn đề nằm ở chỗ nỗ lực của chính chúng ta hôm nay, bởi vì chuyến tàu này không hề có đủ chỗ cho tất cả. Chỉ có khát vọng mà thiếu hành động quyết liệt, hiệu quả và nỗ lực đến tận cùng sức lực, sự thực e sẽ rất phũ phàng, khó nói!