Là lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho muôn đời sau một hệ thống luận điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có công tác dân vận.
Kế thừa và phát triển tư tưởng “trọng dân”, “yêu dân”, “dựa vào dân” của ông cha ta trên cơ sở tư duy khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Người đã đưa lý luận và thực tiễn công tác vận động nhân dân lên tầm cao mới.
Người đã từng đặt câu hỏi: Dân vận là gì ? Và Người đã định nghĩa: “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho” (1).
Mục đích của dân vận là để góp phần tạo thành sức mạnh toàn dân và để thực hành những nhiệm vụ chính trị của cả dân tộc trong từng thời kỳ cách mạng. Đó là kháng chiến để giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm, kiến quốc để dân giàu, nước mạnh, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Công tác dân vận cũng là một khoa học, khoa học về con người.
Người nêu một luận điểm hoàn chỉnh có tính quy luật của mọi cuộc cách mạng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (2)
Công tác dân vận không chỉ là một chính sách, một chiến lược, mà còn là một công tác cơ bản quan trọng của Dảng, của cả hệ thống chính trị, là một sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân. Người đã từng tổng kết: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đó là nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã vận dụng nguyên lý đó, coi nhân dân lao động là chủ thể của lịch sử, là gốc của đất nước:
“Nước lấy dân làm gốc…
Quân tốt, dân tốt
. Mọi việc đều nên.
Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (3)
Bên cạnh việc xác định “dân là gốc”, Người còn nhấn mạnh “dân là chủ”. Người chỉ ra rằng:
”Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(4).
Ước mơ của Người là xây dựng trên Tổ quốc mình một thiết chế dân chủ mới, trong đó, nhân dân là người chủ thực sự trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Người nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân là chủ”. Trong chế độ đó, “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả cán bộ…bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là đầy tớ trung thành của nhân dân…Do đó, mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện” (5).Và Đảng ta phải được xây dựng thành “một đảng của nhân dân quần chúng thật sự” (6).
Muốn có dân chủ thì mọi công dân phải ra sức thực hành dân chủ. Theo Người, “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân” (7).
Một nội dung cốt lõi, xuyên suốt tư tưởng dân vận của Người là đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết của Người đã trở thành đường lối chiến lược cơ bản lâu dài, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng nói chung. Đó là:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.
Về tổ chức dân vận, Người nhấn mạnh: “…Cách mạng Tháng Tám đã thành công vì có được ba điều kiện không thể thiếu được đối với bất cứ một cuộc cách mạng phản đế nào ở một nước thuộc địa; đó là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, sự thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi, khởi nghĩa vũ trang” (8).
Quy trình làm công tác dân vận mà Người đã tổng kết trong bài “Dân vận” (đăng trên báo Sự Thật, ra ngày 15-10-1949) được tóm tắt như sau: Giải thích cho dân hiểu - bàn bạc với dân - tổ chức toàn dân thực hiện - kiểm tra, kiểm điểm rút kinh nghiệm - phê bình khen thưởng. Quy trình này được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI quán triệt và nêu thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Về tác phong người cán bộ làm công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cô đọng trong 12 chữ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (9).
Nhận thức sâu sắc những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng mới, công tác dân vận cần được đẩy mạnh với nội dung phù hợp thời kỳ mới, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Công tác dân vận không chỉ tiến hành trong Ngày Dân vận, mà phải làm thường xuyên, hằng ngày, đưa công tác rất quan trọng này thành nền nếp của mỗi cán bộ, đảng viên, coi đây là tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.
(1)(2)(3)(4)(9) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1995-T 5- tr
698-700-409-410-698-699.
(5) Sdd - T 10 - tr 323.
(6)(7) Sdd - T 7 - tr 40-452.