TỪ TRƯỜNG CHUYÊN DANH TIẾNG HƠN 200 NĂM…
Trong con hẻm số 475, đường Cách Mạng Tháng 8, Phường 13, Quận 10 có một ngôi đình mang tên Chí Hòa, thuộc loại cổ nhất Sài Gòn, được lập sau khi tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam, lập dinh, huyện, mở mang bờ cõi. Diện tích ban đầu của đình trên 10.000m2, nay chỉ còn dưới 500m2, do bị lấn chiếm dần theo thời gian. Cây đa cổ thụ giữa sân đình thân rộng ba người ôm không hết, bị đốn bỏ năm 1980.
Ít ai biết ngôi đình chính là nơi Võ Trường Toản mở trường dạy học, và suốt trong một thời gian dài cuối thế kỷ 18, trường của ông đã đào tạo nhiều danh nhân còn lưu tên trên sử xanh cho đến tận bây giờ: Ngô Tùng Châu, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Châu Văn Tiếp… trong đó có ba ông: Trịnh Hoài Đức, Châu Văn Tiếp, Ngô Nhân Tịnh đang hiện hữu ở Quận 5, là tên của ba con đường thuộc Phường 13 và Phường 7.
Mở trường “chuyên” giữa sân đình làng Chí Hòa, dạy nhiều lứa học trò đỗ đạt nên người, nhưng người thầy Võ Trường Toản khi được vua Gia Long mời ra làm quan đã kiên quyết không nhận lời, sống đời ẩn dật, giữ gìn nhân cách người thầy và lấy việc dạy học làm niềm vui giúp đời. Khi ông mất, vua tiếc thương, ban danh hiệu “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”, nêu cao nhân cách sáng ngời của một người thầy.
… ĐẾN NGƯỜI HỌC TRÒ LẪY LỪNG TRỊNH HOÀI ĐỨC
Ai cũng biết tác phẩm “Gia Định thành thông chí” – một quyển sách biên khảo đồ sộ có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và đời sống xã hội của Sài Gòn và miền Nam 200 năm trước, với tác giả là trịnh Hoài Đức – nhà văn.
Nhưng một Trịnh Hoài Đức – quan lớn trải hai triều vua mới thật là đáng kính phục, có một không hai trong lịch sử Việt Nam.
Mồ côi cha từ năm 10 tuổi, Trịnh Hoài Đức theo học Võ Trường Toản tại đình Chí Hòa, sau thi đậu làm quan qua các chức Tri huyện , Điền trấn – cai quản việc tổ chức khai khẩn đất đai, Đông cung thị giảng – thầy dạy Hoàng tử Cảnh con vua Gia Long ở Gia Định. Khi Gia Long lên ngôi, ông được phong Hộ Bộ Thượng Thư. Mười năm sau, chuyển sang Lễ Bộ Thượng Thư. Năm sau nữa, đổi sang Lại Bộ Thượng Thư. Tính ra, ông lần lượt cai quản ba bộ, trong số sáu bộ trong triều Gia Long.
Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, Trịnh Hoài Đức khi ấy là quyền Tổng trấn Gia Định thành được triệu về kinh, vua giao làm Lại Bộ Thượng Thư như trước – kiêm luôn Binh Bộ Thượng Thư, Phó Tổng Tài Quốc Sử Giám, Hiệp Biện Đại Học Sĩ. Nhiều chức quá, ông… đâm hoảng, tâu vua xin… nghỉ vì già yếu, vua khăng khăng xuống chiếu ban lệnh, ông đành phải làm theo.
Năm 1825, ông mất tại Huế, thọ 61 tuổi. Vua ra lệnh bãi triều ba ngày, sai Hoàng tử Miên Hoằng thay vua đưa quan tài ông theo về đến tận Gia Định, sau đó cùng Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt lo liệu lễ tang, thân hành tiễn ông đến khi hạ huyệt.
Người học trò Trịnh Hoài Đức đã làm rạng danh người thầy Võ Trường Toản, lẫn ngôi trường trên sân đình làng Chí Hòa năm nào.
Một độc đáo khác của hai thầy trò: cả hai đều là người Minh Hương, tức người Việt gốc Hoa. Đáng tiếc là hiện nay trên toàn thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có một ngôi trường mang tên Võ Trường Toản ở Quận 1, gần Sở thú. Trịnh Hoài Đức không được đặt tên cho ngôi trường nào, tại địa phương xưa là Gia Định thành dưới quyền Tổng trấn của ông, đồng thời là nơi ông thực hiện bộ sách biên khảo đồ sộ, gồm 6 quyển: Gia Định thành thông chí, trở thành một sử liệu hết sức giá trị về thành phố thời mới mở mang, phồn thịnh, với những miêu tả chi tiết, sống động đời sống kinh tế - xã hội Chợ Lớn – là vùng Quận 5 ngày nay.
Thật ra, có một trường Trịnh Hoài Đức mới, đẹp, khang trang, do một người Việt gốc Hoa mới xây dựng xong trên diện tích 100.000m2 – tương đương diện tích đình Chí Hòa xưa, nhưng ở mãi tận… Trảng Bom, thuộc tỉnh Đồng Nai, là trường nằm trong hệ thống giáo dục của tập đoàn Thành Thành Công của doanh nhân Đặng Văn Thành. Có thể xem đây là một tấm lòng kính nhớ người xưa của doanh nhân này, đáng được trân trọng.