Sự trăn trở đã thúc đẩy sĩ Phạm Văn Khuya phải sáng tạo để giúp phòng ngừa và điều trị bệnh phong.
Y sĩ Phạm Văn Khuya cũng là một trong cán bộ kỳ cựu, có thời gian gắn bó lâu dài với trung tâm. Suốt hơn 20 năm gắn bó với chuyên khoa Da liễu, nhất là bệnh phong, điều khiến ông Khuya luôn trăn trở là thái độ hợp tác để điều trị bệnh phong của người dân vô cùng thấp dù thời điểm ông tiếp nhận công việc, bệnh nhân mắc bệnh phong trên địa bàn quận vẫn còn khá đông. Lý giải điều này, ông Khuya cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là sự kỳ thị trong cộng đồng và trong chính gia đình bệnh nhân mắc bệnh phong.
Ông kể một ví dụ bệnh nhân bị mắc bệnh phong phải sống một mình trong trong căn phòng vài mét vuông dù có nhiều người thân. Tuy đã điều trị dứt căn bệnh quái ác nhưng di chứng để lại khiến bệnh nhân này bị tàn tật, đôi chân hoàn toàn mất đi cảm giác. Sống một mình trong môi trường ẩm thấp, đôi chân của anh bị chuột cắn dẫn đến hoại tử nhưng vẫn không chấp nhận điều trị vì sợ bị cắt chi. Khuyên giải bất thành, trạm y tế phường và trung tâm đã báo cáo sự việc đồng thời ép buộc đưa bệnh nhân đến bệnh viện cứu chữa. “Cuối cùng bệnh nhân được điều trị kịp thời, không phải cắt chi tuy nhiên cuộc sống vẫn trong vòng lẩn quẩn như trước bởi anh không được gia đình mở rộng vòng tay đón về chăm sóc”-ông Khuya chia sẻ.Ông cũng nói thêm đây chỉ là một trong số những trường hợp thiếu hợp tác. Thực tế, trong quãng thời gian công tác của mình, ông gặp phải rất nhiều tình huống trớ trêu như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân giấu bệnh, sợ chòm xóm biết nên các y, bác sĩ mời nhiều lần, vận động nhiều lần vẫn không hợp tác điều trị. Làm sao để thay đổi nhận thức về bệnh phong để biết cách phòng ngừa và điều trị nếu không may bị mắc bệnh, đó chính là điều trăn trở lớn nhất với ông Khuya, cũng là động lực để ông sáng tạo, phát huy năng lực của mình.
Thay đổi nhận thức về bệnh phong trong cộng đồng
Sáng kiến nổi bật của ông Khuya giúp phổ biến kiến thức về bệnh phong để phòng bệnh là thực hiện “Truyền thông trong trường học”. Ông Khuya cho biết bệnh phong là căn bệnh nguy hiểm và tỉ lệ bệnh nhân phong tại quận 5 trước (năm 2002) đây rất cao nên ông đã tham mưu kế hoạch truyền thông trong trường học nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh phong. Đề xuất của ông ngay lập tức được Ban giám đốc duyệt bởi thực tế nhiều người Hoa trên địa bàn không biết tiếng Việt nên việc tuyên truyền đến họ rất khó khăn nhưng nếu đối tượng tuyên truyền là con cái họ thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.
Sau khi được trung tâm duyệt đề tài, ông bắt tay ngay vào việc liên hệ các trường học. Mặc dù thời điểm ấy chưa có thông tư của Bộ Y Tế về truyền thông trong trường học nhưng khoa da liễu đã liên hệ được một số trường nằm trong khu dịch tể lưu hành để thí điểm truyền thông. Ông Khuya cho hay: “Thời gian tuyên truyền ngắn nhưng đúng đối tượng nên đã đạt kết quả rất tốt. Cụ thể là đến năm 2007 chỉ còn 3 bệnh nhân phong mới, đến năm 2009 thì không phát hiện bệnh phong mới nào. Cho đến nay, việc truyền thông trong trường học vẫn được tiếp tục thực hiện”
Không dừng lại ở đó, ông Khuya còn tham gia cùng Bệnh viện Da liễu TP HCM và Hội Chống phong Hà Lan nghiên cứu về đề tài “Miễn dịch học trong bệnh phong” phối hợp sàng lọc và mời bệnh nhân phong cũ đã được tiêm huyết thanh miễn dịch lên bệnh viện da liễu làm lại các xét nghiệm cần thiết xem kết quả miễn dịch trong bệnh nhân để có hướng điều chế vaccine trong tương lai.
Nhận xét về ông Khuya, bà Lê Hoàng Mai, Chủ tịch CĐ trung tâm cho biết: “Không chỉ nhiệt tình, giỏi chuyên môn, hết lòng vì bệnh nhân, anh Khuya còn được đồng nghiệp quý mến nhờ tính tình hòa nhã, lối sống giản dị, gần gũi với mọi người. Anh xứng đáng được trao Giải thưởng Trần Văn Kiểu”
* Những thành tích đạt được:
-Bằng khen 2 năm liền phong trào thi đua của TP 2012-2013
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2012
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2013
- Giấy khen hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua lao động giỏi 2015
- Giấy khen hoàn thành xuất sắc mục tiêu chống phong giai đoạn 2005-2015.