Cụ Huỳnh Thúc Kháng, sinh ngày 1-10-1876, trong một gia đình Nho học nghèo gốc nông dân, thuở nhỏ có tiểu danh là Thước, tên chữ là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên, có bút danh: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khỉ Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thúc Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan. Quê ở làng Thanh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, phủ Thăng Bình, sau đổi là phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Thiên tư thông minh, Huỳnh Thúc Kháng sớm nổi danh là một nhà đại khoa trẻ tuổi, là một trong “tứ hổ” của đất Quảng (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến và Phạm Liệu).
Huỳnh Thúc Kháng đỗ giải nguyên (thủ khoa) khoa Canh Tý (1900), khi 21 tuổi, và đỗ tam giáp tiến sĩ (hội nguyên), khoa Giáp Thìn (1904) tại trường thi Thừa Thiên, nhưng không chịu ra làm quan mà tham gia phong trào yêu nước. Ông là một trong những nhân vật lãnh đạo phong trào Duy Tân, bị chính quyền thực dân Pháp bắt (1908) đày đi Côn Đảo 13 năm (từ 24-2-1908 đến tháng 2-1921).
Sau khi Huỳnh Thúc Kháng ra tù, Viên Khâm sứ Trung Kỳ lúc bấy giờ là Pasquier lại chiêu dụ cụ ra làm quan. Cụ Huỳnh dứt khoát: “Tôi chỉ có một cái tội là đậu tiến sĩ mà không đi làm quan, cho nên mới bị tù, trước đã thế, huống chi bây giờ, xin ngài miễn nói đến việc ấy”.
Cụ Huỳnh ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và được bầu làm Viện trưởng (1926). Nhưng chỉ hai năm sau, Cụ rút khỏi nghị trường sau bài diễn văn nổi tiếng đọc tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, ngày 1-10-1928, mà dư luận lúc bấy giờ cho đó là một bản cáo trạng công khai lên án chế độ thực dân tàn bạo và lỗi thời.
Năm 1927, Cụ Huỳnh lập ra Công ty Huỳnh Thúc Kháng chuyên trách công việc nhà in, chuẩn bị cho ra một tờ báo. Việc tiếp theo là phải đặt cho tờ báo một cái tên để ghi vào đơn gửi phủ Toàn quyền Pháp ở Đông Dương xin phép xuất bản. Ban đầu, cụ Huỳnh định lấy hai chữ Trung ngôn (lời nói ngay thẳng). Nhưng sau, cụ lại muốn lấy hai chữ Trung thanh, vừa có ý nghĩa là tiếng nói ngay thẳng, vừa có nghĩa là tiếng nói của miền Trung. Cuối cùng, cụ nghĩ đến hai chữ Dân thanh (tiếng nói của dân). Khi được hỏi ý kiến, cụ Phan Bội Châu đáp: “Đã nói Dân thanh thì chi bằng nói quách là Tiếng dân”.
Tòa soạn báo Tiếng Dân đặt tại Công ty Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc tại số nhà 123 đường Đông Ba tức là đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng).
Cụ Huỳnh chủ trương: Báo Tiếng Dân là tiếng nói của nhân dân, là bảo tồn đạo đức tốt đẹp của tiền nhân, loại bỏ những gì không hợp thời, dung hòa học thuyết tư tưởng mới Á - Âu, nâng cao dân trí, mở mang kinh tế,\nhấn mạnh trách nhiệm của công dân đối với quốc gia, dân tộc, vì chính nghĩa, vì lợi ích chung, không thiên vị đảng phái, không xu phụ chế độ, mong muốn đất nước có một tương lai rực rỡ…
Báo Tiếng Dân còn là diễn đàn của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước và bạn bè, đồng chí, đồng sự của cụ Huỳnh , trong đó có nhà yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu và nhiều chiến sĩ cộng sản như Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều…
Cụ Huỳnh không chỉ là người tổ chức, quản lý giỏi báo chí với tư cách là chủ nhiệm kiêm chủ bút, mà còn là nhà báo, nhà văn hóa viết nhiều thể tài báo chí như xã luận, bình luận, khảo luận, nghiên cứu, dịch thuật, tiểu phẩm, bút chiến, thơ…Tư tưởng xuyên suốt trong tác phâm báo chí của cụ Huỳnh là phê bình thực trạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, vạch trần bộ mặt thật của chế độ thực dân, phong kiến và một tình yêu đất nước …
Báo Tiếng Dân ra số đầu ngày 10-8-1927. Hầu hết các bài xã luận đăng trên báo Tiếng Dân đều do chính cụ Huỳnh Thúc Kháng viết với mục đích kích thích lòng yêu nước của độc giả. Rất nhiều lần Sở Kiểm duyệt của thực dân Pháp buộc tòa soạn phải sửa chữa theo ý muốn của chúng, nhưng cụ Huỳnh nhất định không chịu và bảo: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, chứ một chữ cũng không sửa”.
Lúc bấy giờ, Ginouvea, Phó Công sứ Đà Lạt, người Pháp, hống hách thường coi nhân viên dưới quyền, người Việt Nam, như tôi mọi. Một hôm, hắn chửi thậm tệ một viên phán sự già. Mấy ngày sau, trên tờ Tiếng Dân, người ta thấy đăng tin này với lời lẽ phê phán gay gắt. Tòa Khâm sứ Huế liền yêu cầu viên Công sứ Đà Lạt báo cáo ngay nội dung sự việc. Sau đó, viên Công sứ Đà Lạt viết thư cho cụ Huỳnh yêu cầu cụ cho biết tên tác giả tin ấy. Cụ Huỳnh đã trả lời: “Nếu báo Tiếng Dân đăng sai, ông cứ truy tố tôi, còn tên người viết thì tôi không thể cho ông biết được”. Sau sự việc này, Tòa Khâm sứ Huế ra thông tư cấm các quan chức người Pháp không được có những lời khiếm nhã đổi với viên chức người Việt Nam.
Trong đời làm báo của mình. cụ Huỳnh đã xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
Ngoài những bài nhằm mục đích nâng cao dân trí, giáo dục lòng yêu nước, chống thực dân, phong kiến, tờ báo Tiếng Dân còn đăng bài của những người bị ức hiếp. Những tiếng kêu cứu trên báo Tiếng Dân đều được thực dân Pháp lưu ý nhờ ảnh hưởng và uy tín của tờ báo.
Tờ báo Tiếng Dân là tờ báo chính trị, nhưng cụ Huỳnh không quên đăng các bài thơ, văn tuyển chọn, thường là của Phan Bội Châu, Phan Tây Hồ, Bích Khê và nhiều cây bút tên tuổi khác. Trên mục Văn Uyển (Vườn văn), cụ Huỳnh đã từng vạch mặt Phạm Quỳnh, gọi Phạm Quỳnh là trí thức xôi thịt với chiêu bài “Dân vi quý” dỏm của y.
Chế độ kiểm duyệt thời đó bắt buộc mọi bài vở phải dịch ra tiếng Pháp thành ba bản, gửi Tòa Khâm sứ trước khi in, và những bài bị kiểm duyệt nhất thiết không để giấy trắng trên báo. Cụ Huỳnh luôn giữ nguyên tắc, cũng là sự thể hiện đức tính trung thực của người cầm bút chân chính. Toàn quyền Decoux không thể chấp nhận thái độ “khó bảo” đó của cụ Huỳnh, ngày 21-4-1943, đã ra quyết định đình bản báo Tiếng Dân, sau 16 năm dóng chuông cảnh tỉnh và ra được 1.766 số.
Với người làm báo và viết báo trong chế độ thuộc địa không có tự do báo chí, thì vùng vẫy được như cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân của cụ quả là tiến bộ, là yêu nước thương nòi. Cụ đã viết hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại đã khôn khéo lách qua sự kiểm duyệt khắc nghiệt của chính quyền thực dân, sự dòm ngó của bọn mật thám và triều đình Huế bù nhìn, để giáo dục lòng yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến…
Báo Tiếng Dân, tờ báo chính trị đầu tiên xuất bản công khai ở Huế cách đây hơn tám thập kỷ, do một vị đại khoa không xuất sĩ, mang trong lý lịch 13 năm tù đày vì “tội” yêu nước, là một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử báo chí nước ta. Ngòi bút sắc sảo của cụ Huỳnh và các cộng tác viên báo Tiếng Dân đã không phụ lòng tin cậy của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Huỳnh đã ở tuổi 70. Đối với cụ, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra cho đất nước một mùa xuân:
“Hồn nước từ đây trời mở cửa
Đố ai ngăn đặng ngọn Xuân trào!”
Mừng xuân năm 1946, cụ Huỳnh làm câu đối nói lên tấm lòng yêu nước thương dân chí thiết:
“Trẻ lại với xuân, nước tổ bốn nghìn năm lịch sử
Đứng lên làm chủ, quyền người hai chục triệu lâm sinh”.
Cũng năm ấy, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh tham gia Chính phủ liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, và Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt.
Cuối tháng 11-1946, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cụ Huỳnh lên đường vào Nam Trung Bộ với chức vụ Đại diện Chính phủ Trung ương. Khi đến Đô Lương (Nghệ An), cụ Huỳnh đã viết bài thơ dưới đây:
“Gẫm ta, ta cũng nực cười !
Nhà nhà ba cõi, người người bốn phương.
Nghĩ đến nước, đến làng, đến họ
Có hay không ? Không có, có không ?
Bảy tuần, đầu bạc như bông,
Được người tri kỷ, thôi xong đã già!”
Tháng 3-1947, trên đường đi kinh lý miền Nam Trung Bộ, vào đến Quảng Ngãi, cụ Huỳnh không may lâm bệnh nặng, biết không qua khỏi, ngày 14-4-1947, đã gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc một bức điện thư với những lời cuối cùng hết sức cảm động: “Tôi bệnh nặng, chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp cụ lần cuối cùng. Chúc cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết”.
Cụ Huỳnh trút hơi cuối cùng vào ngày 21-4-1947, tại Quảng Ngãi, thọ 71 tuổi.
Được tin đó, Hồ Chủ tịch đau đớn làm bài thơ bằng chữ Hán, rồi Người tự dịch ra quốc ngữ:
“Than ôi !
Bể Đà Nẵng triều thảm
Đèo Hải Vân mây sầu
Tháng tư tin buồn đến
Huỳnh Bộ trưởng đi đâu ?
Trông vào Bộ Nội vụ
Tài đức tiếc thương nhau
Đồng bào ba chục triệu
Đau đớn lệ rơi châu”.
Trong Thư báo tin Lễ quốc tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao…Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không nản chí, oai vũ không sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Theo nguyện vọng của người quá cố, tỉnh Quảng Ngãi đã mai táng cụ Huỳnh trên đỉnh núi Thiên Ấn. Ngày ngày, du khách tới viếng mộ nhà chí sĩ, nhà báo lão thành.
Từ đỉnh đèo Liêu nằm kề huyện Trà Mi và Tiên Phước (Quảng Nam), nhìn xuống thung lũng thấp thoáng nhiều nhà cửa cư dân san sát, nơi đó có đền thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng, được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử, do UBND huyện Tiên Phước bảo quản, cháu đich tôn cụ trông nom hương khói.
Các tác phẩm chính của Cụ: Thi tù tùng thoại; Thi văn với thời đại; Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam; Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử; Huỳnh Thúc Kháng niên phổ; Bức thư gửi Cường Để; Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ…
Năm 1949, Tổng bộ Việt Minh chọn danh tính nhà báo lão thành Huỳnh Thúc Kháng đặt tên cho Lớp viết báo đầu tiên của nước ta và là lớp duy nhất dạy làm báo trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngày 19-2-2013, Nhà nước ta đã truy tặng Huân chương Sao Vàng để ghi nhận công lao của Cụ đối với đất nước.