Hội quán Tam Sơn là trụ sở của di dân người Hoa quê ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Tam Sơn là ba ngọn núi Bình Sơn, Cửu Tiên Sơn, Việt Vương Sơn ở Phúc Châu. Theo nội dung bia đá lập vào năm 1954 ghi lại sự kiện trùng tu hội quán thì không rõ hội quán Tam Sơn được xây dựng lúc nào, chỉ biết tòa nhà phía trước xây dựng vào năm Bính Thìn niên hiệu Gia Khánh (1796), đến năm Đinh Hợi niên hiệu Quang Tự thứ 13 (1887) thì trùng tu.
Hội quán Tam Sơn thờ cúng các vị:
- Thiên Hậu Thánh Mẫu: tức Thiên Hậu Nguyên Quân, Ma Tổ, vị nữ thần được các triều đình Trung Hoa phong tặng nhiều danh hiệu cao quí vì rất hiển linh, phù hộ dân lành, cứu giúp người đi biển.
- Chúa Sinh Nương Nương: tức Kim Hoa Nương Nương, Bà Chúa Thai Sinh, Mẹ Sinh Mẹ Đậu, vị nữ thần phù hộ việc sinh con, nuôi dạy con cái.
Hội quán Tam Sơn rộng khoảng 1000m2. Mặt bằng tổng thể gồm sân trước, tiền điện, trung điện và chính điện. Dọc hai bên là tả vu và hữu vu, được xây cao ba tầng. Sân thiên tỉnh ở giữa tiền điện và trung điện kết hợp với hành lang trước tả vu và hữu vu tạo thành lối đi thông thương giữa các điện thờ. Càng vào trong các điện thờ càng được tôn cao dần lên. Mỗi điện thờ có một bộ khung chịu lực riêng và lớp mái riêng lợp ngói ống, diềm mái bằng ngói thanh lưu ly.
Nóc mái tiền điện trang trí phù điêu do lò gốm Bửu Nguyên làm vào năm 1914 với tượng gốm lưỡng long triều nguyệt, phụng hoàng, cá hóa long, kỳ lân, quan lính… Hai đầu mái gắn tượng ông Nhật và bà Nguyệt.
Cửa vào tiền điện hướng thẳng ra cổng tam quan của hội quán. Phía trên hàng chữ Hán “Tam Sơn hội quán” đắp nổi trên cửa còn có tấm biển gỗ ghi từ trên xuống ba chữ Hán “Thiên Hậu cung”. Mảng tường hai bên đắp nổi hình ngư – tiều – canh – độc, hai bên cửa có câu đối:
“TAM xích hiển thần linh, hải quốc hàng phàm tư phổ tế,
SƠN tưu triêm thánh trạch, Mi Châu trở đậu khánh trùng quang”
(Núi Tam Sơn ba thước, thần linh hiển hiện khắp nơi, trên bờ dưới biển đều được phù hộ,
Dân miền sơn cước chịu ơn Thánh, dâng lễ vật mừng Mi Châu tỏa rạng hào quang).
Phần kiến trúc dưới mái hiên được chạm trổ hoa sen, giỏ trái cây, hoa mai, phật thủ…
Góc phải tiền điện có một đại hồng chung được đúc tại Phật trấn vào năm Quang Tự thứ tư (1878), nguyên là đại hồng chung ở Thất Phủ Quan Vũ miếu. Bia ghi sự kiện trùng tu năm 1954 treo trên tường bên phải, đối diện với bia trùng tu năm 1961 treo ở vách tường bên trái.
Trung điện được tôn cao hơn tiền điện, có kết cấu kiểu nhà tứ trụ và chiều ngang chỉ rộng bằng gian giữa của tiền điện và chính điện. Bộ khung chịu lực gồm bốn cặp cột gỗ ở bốn góc tạo thành hình vuông đỡ lấy mái ngói âm dương được trang trí đơn giản với phù điêu “Ngư long hí thủy”, cá hóa long bằng gốm trên đường bờ nóc và bốn tượng cá hóa long ở bốn đầu đao.
Án thờ Ngọc Hoàng Đại Đế đặt giữa trung điện với tượng Ngọc Hoàng ngồi trên ngai, hướng ra cửa. Phía trên án thờ có bức hoành phi “Hải tân tập thắng” (Bến thuyền nhộn nhịp).
Sát phía sau án thờ Ngọc Hoàng là án thờ Hộ Pháp Vi Đà. Tượng Hộ Pháp Vi Đà hai tay nâng thanh gươm được đặt trong tủ kính, hướng vào chính điện.
Chính điện được xây dựng theo kiểu nhà ba gian, mái lợp ngói ống, trang trí phù điêu lưỡng long triều nguyệt, phụng hoàng, kỳ lân, tượng ông Nhật bà Nguyệt do lò gốm Bửu Nguyên tạo tác vào năm 1926.
Khám thờ Thiên Hậu đặt ở phía cuối gian giữa chính điện, trên bệ gạch cao hơn 1 mét, được chạm trổ lưỡng long triều nguyệt, phụng hoàng, tùng – hạc, liên – áp, tùng – lộc, hoa văn đồng tiền… Ngoài bộ tượng Thiên Hậu (cao khoảng 1 mét và hai tượng ngọc nữ còn có bộ tượng Thiên Hậu và Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ có kích thước nhỏ hơn.
Trước khám thờ là hai hương án đặt song song nhau. Trên hương án phía trong bày một bộ ngũ sự bằng đồng, hương án phía ngoài để bày biện lư hương, chân cắm nến, bình hoa, lễ vật cúng tế.
Dọc hai bên hương án này là hai bộ binh khí, mỗi bộ gồm tám loại binh khí được dựng thẳng trên giá gỗ.
Gian bên trái thờ Chúa Sinh Nương Nương với khám thờ chạm trổ “phụng hoàng triều nguyệt”, “Phúc – Lộc – Thọ”, “Bát Tiên”… Trước tượng Chúa Sinh Nương Nương là 12 tượng của 12 Bà Mụ, mỗi tượng bồng trên tay một đứa trẻ. Trước khám thờ cũng có hương án để chưng bày lư hương, bình hoa, lễ vật…
Bên phải gian thờ Thiên Hậu là gian thờ Phúc Đức Chính Thần. Khám thờ và hương án thờ Phúc Đức Chính Thần có kích thước và chạm trổ giống với khám thờ Chúa Sinh Nương Nương. Tượng Phúc Đức Chính Thần thể hiện một ông lão ngồi trên ngai, hai bên có hai người hầu.
Bàn thờ Thần Tài, Thái Tuế, Bao Công đặt ở bên trái chính điện, đối xứng với bàn thờ Thạch Cảm Đương, Thần Xã Tắc, Văn Xương Đế Quân, Thần Thành Hoàng đặt ở bên phải
Tượng Thần Tài và bài vị Thạch Cảm Đương, Thần Xã Tắc được đặt trên nền gạch. Tượng Thái Tuế và tượng Bao Công trong tủ kính, đặt trên hương án. Bên phải hương án này có giá chuông và giá trống. Chuông được đúc vào năm 1898.
Án thờ và tượng Văn Xương Đế Quân, Thần Thành Hoàng cũng được bài trí như án thờ Thái Tuế Tinh Quân và Bao Công. Trên mảng tường gần án thờ này có tấm bia đá do Nữ hội Tam Sơn lập năm 1904.
Phía gần thềm tam cấp, gian giữa chính điện là án thờ Quan Âm Đại Sĩ. Ngoài tượng Quan Âm Đại Sĩ còn có tượng Tề Thiên Đại Thánh và Hoa Quang Đại Đế, lư hương, chân đèn…
Bên trái trung điện và chính điện là tả vu, khối nhà ba tầng có kết cấu bê tông cốt thép, tường gạch, mái tôn. Chính giữa tầng trệt tả vu là gian thờ Quan Thánh Đế Quân, có khung kính lớn che suốt gian thờ. Phía trên khung kính treo bức hoành phi “Trung nghĩa thiên thu”.
Bộ tượng Quan Đế, Quan Bình, Châu Xương và tượng ngựa Xích Thố đều là tượng giấy bồi, có kích thước khá lớn.
Bên trái gian thờ Quan Đế là văn phòng Ban Quản trị hội quán. Bên phải là cầu thang dẫn lên tầng trên. Lầu một của tả vu gồm phòng hội họp và nhà kho.
Hữu vu ở bên phải trung điện, là khối nhà ba tầng có kết cấu giống tả vu. Gian giữa tầng trệt hữu vu thờ Tiên Hiền, bài trí đơn giản với một hương án và một bài vị bằng gỗ. Hài cốt một số hội viên quá vãng đặt ở gian bên cạnh.
Gian bên phải gian thờ Tiên Hiền được ngăn đôi bằng khung kính. Phía ngoài có hương án và lư hương gốm đúc các chữ “Phúc Đức Chính Thần”. Phía sau khung kính là án thờ Long Vương với bài vị bằng gỗ đặt trên hương án cũng bằng gỗ. Chầu hai bên bài vị là cặp hạc bằng đồng.
Cạnh gian thờ cốt là cầu thang dẫn lên Phòng họp ở tầng lầu 1 và Hội trường ở tầng lầu 2.
Giống như các hội quán, đền miếu khác trong vùng, trên các cột, xà ngang trong hội quán treo khá nhiều hoành phi và liễn đối ca ngợi công đức Thánh, Thần. Có tất cả 11 bức hoành phi và 8 cặp liễn đối. Một số hoành phi có nội dung khá mới mẻ như “Hộ kiều hiển hách” (Giúp cho kiều bào được thành đạt), “Tạo phúc tang tử” (Làm việc phúc cho người ở quê nhà), “Dong âm viễn phúc” (Bóng cây si luôn che mát)…
Nghệ thuật chạm chìm, chạm nổi trên các hoành phi, liễn đối cũng như trên các bao lam, khám thờ tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc cho hội quán Tam Sơn.
Hội quán Tam Sơn đã được trùng tu lớn vào năm 1887. Lần trùng tu năm 1954 và năm 1965 đã xây thêm các tầng lầu tả vu và hữu vu, làm thay đổi diện mạo của hội quán. Tuy vậy, nhìn chung hội quán Tam Sơn vẫn còn giữ được kiến trúc cơ bản của một công trình tín ngưỡng cổ kính. Một số di vật của miếu Thất Phủ Quan Vũ có giá trị minh chứng cho một di tích nổi tiếng một thời nay đã không còn tồn tại.
Hội quán Tam Sơn được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2015 theo Quyết định số 3084/QĐ – UBND ngày 25 tháng 6 năm 2015.