SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
6
4
2
4
1
Tin tức sự kiện 22 Tháng Mười 2018 8:35:00 SA

Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”

 

Ngày 24/11/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh  phê duyệt đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây là một nội dung quan trọng được Thành ủy xác định là giải pháp bổ sung cùng với 7 chương trình đột phá để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, trong đó thành phố đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu. Để thực hiện được điều này, trước mắt thành phố phải trở thành đô thị thông minh, để tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống – chủ yếu dựa vào vốn và lao động và còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngoài ra, thông qua đô thị thông minh, người dân, tổ chức sẽ phát huy tối đa năng lực của mình, là chủ thể sáng tạo, đồng thời người dân sẽ giám sát thực hiện, xã hội phát triển có kiểm soát.

Đề án nhằm giải quyết các thách thức chính hiện nay của thành phố như: dân số tăng; kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị, bao gồm công tác dự báo, quy hoạch và điều hành của thành phố còn bất cập; chất lượng phục vụ người dân về y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, hành chính công... chưa tốt. Đồng thời, giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích cho đời sống xã hội, người dân.

Mục tiêu tổng quát của Đề án

Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Thành phố sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.

Lộ trình triển khai Đề án.

Giai đoạn 1 (2017-2020): triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh. Triển khai một số các giải pháp thông minh đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay của thành phố theo các chương trình đột phá để sớm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm: Chính quyền số, giao thông, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, y tế và sức khỏe người dân,…

Năm 2018 triển khai 4 Trung tâm “thông minh”.  Vận hành một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có đầy đủ các thông tin đa chiều để điều phối xử lý, dự báo, hoạch định chiến lược... Do đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung về hạ tầng đô thị, dân cư, quản lý đầu tư công, quản lý đất đai... Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công Trung tâm điều hành đô thị thông minh, nơi sẽ khai thác các nguồn thông tin, dữ liệu hằng ngày của thành phố trên các lĩnh vực, qua đó giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể. Tiếp đó là xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để đảm bảo an toàn hoạt động cho các trung tâm này, cũng như các hoạt động khác của thành phố khi đô thị thông minh hình thành, không thể thiếu việc đảm bảo an toàn bảo mật thông tin. Do đó, việc thành lập Trung tâm an toàn thông tin là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong tình hình hết sức phức tạp hiện nay.

Giai đoạn 2 (2021- 2025): tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành. Tiếp tục được mở rộng cùng với việc cập nhật dữ liệu… đối với các giải pháp thông minh chuyên ngành đã khởi động từ giai đoạn 1. Kế hoạch đến năm 2025 cơ bản xây dựng được đô thị thông minh.

Giai đoạn 3 (sau 2025): tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn sau 2025 hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn. Các giải pháp thông minh được nâng cấp theo hướng ngày càng thông minh hơn và mở rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống.

Lợi ích cho người dân 

- “Đô thị thông minh” góp phần đảm bảo một môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; giảm thiểu tác động của ngập nước; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường học đạt chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỷ lệ tội phạm thấp; và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý, xây dựng thành phố.

- Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc, cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như doanh nghiệp vận tải, đào đường, công trình,…

- Việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện công sẽ được đăng ký giờ khám, dịch vụ, lựa chọn bác sĩ qua mạng; thậm chí ở trong nước có thể đăng ký khám, hội chẩn với bác sĩ, chuyên gia y tế nước ngoài...

- Đối với việc nâng cao năng suất lao động, người lao động được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.

- Với lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp có thể ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí thủ tục qua mạng và cũng ở nhà nhận kết quả thông qua bưu điện. Những công cụ kiểm soát hiện đại sẽ kiểm soát được quy trình giải quyết hồ sơ, chặn đứng việc cán bộ thụ lý ngâm hồ sơ, sách nhiễu, gây phiền hà người dân.

- Thông tin quy hoạch đô thị, thị trường, các ngành nghề... được tích hợp vào Trung tâm dữ liệu dùng chung, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường, thủ tục, đề ra kế hoạch, chiến lược kinh doanh của mình có tính khả thi hơn.

Khi hoàn chỉnh đô thị thông minh, có thể nói chỉ cần với thiết bị điện tử cầm tay, người dân có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, biết được khu vực nào kẹt xe, ngập nước... để chủ động về mặt thời gian, có hướng di chuyển phù hợp.


Số lượt người xem: 1477    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm