SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
6
6
0
6
3
Tin tức sự kiện 29 Tháng Mười 2018 8:15:00 SA

Định hướng hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII (Nghị quyết số 28-NQ/TW)

 

Sau hơn 30 năm đổi mới (1986-2018), đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, tiềm lực đất nước đã được tăng cường đáng kể; truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc tiếp tục được phát huy; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; có nhiều kinh nghiệm quý qua hơn 20 năm phát triển chinh sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo báo cáo đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam của Bộ Lao Động-Thương binh và xã hội, ngày 27-10-2017, tính đến nay cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH (chiếm 28% lực lượng lao động); hằng năm có khoảng 4-5 triệu người hưởng chính sách BHXH ngắn hạn; 150.000 người hưởng các chế độ dài hạn; và có gần 3 triệu người hưởng lương hưu, trở cấp BHXH hằng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt nam được hưởng lương hưu và trợ cấp.

Tuy nhiên, kinh tế trong nước còn khóa khăn, nguồn lực ngân sách nhà nước hạn hẹp; thu nhập của nhiều người dân còn thấp và chưa ổn định; tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức ở mức cao; việc điều chỉnh một số chế độ BHXH qua nhiều giai đoạn để bảo đảm bền vững Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng tạo ra những bất hợp lý nhất định; áp lực của già hóa dân số đối với hệ thống BHXH rất lớn; tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi nhanh về cơ cấu lao động và quan hệ lao động.

Bối cảnh, điều kiện mới hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đan xen, đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo về cái cải chính sách BHXH phù hợp.

Một là, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống ASXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội, đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước.

Hai là, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng- hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Ba là, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm ASXH.

Bốn là, phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế, củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH.

Năm là, thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, DN và của mỗi người dân.

Căn cứ vào các quan điểm chỉ đạo nêu trên, xác định mục tiêu tổng quát trong cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới là: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Mục tiêu tổng quát này cần được cụ thể hóa thành các mục tiêu với lộ trình thực hiện cụ thể như sau:1- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 có khoảng 45% và đến 2030 có khoảng 60%.2- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội); đến năm 2025 có khoảng 55% và đến 2030 có khoảng 60%. 3- Giai đoạn đến năm 2021, tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với DN bằng mức ASEAN 4. 4- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%; đến năm 2025 đạt mức 85% và đến 2030 đạt mức 90%.

BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, việc cải cách chính sách BHXH là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Số lượt người xem: 1276    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm