Bão số 9 đi qua, để lại một thực tế cả thành phố ngập nước. Sáng ngày 29/11/2018, ngay phiên khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 22 mở rộng, khóa 10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân không ngần ngại, chỉ ngay tên hai đơn vị là Sở Giao thông Vận tải và Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập thành phố Hồ Chí Minh – một kẹt xe – một ngập nước – để đặt vấn đề: đây là hai lĩnh vực người dân vô cùng bức xúc, ngân sách thành phố cũng ưu tiên đầu tư, vì sao bao nhiêu dự án đã phê duyệt, đã có tiền, nhưng chậm giải ngân thực hiện?
Bí thư Thành ủy nêu cụ thể, Sở giao thông Vận tải có 454 dự án, kế hoạch vốn năm 2018 là 4.510 tỷ đồng, đến cuối tháng 10 mới giải ngân đạt 58,2%, còn tới 1.900 tỷ đồng chưa giải ngân. Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước có 106 dự án, kế hoạch vốn là 1.129 tỷ đồng, đến cuối tháng 10 này mới giải ngân được 53,2%. “Người đứng đầu của hai lĩnh vực này suy nghĩ gì về trách nhiệm với Đảng bộ thành phố và người dân?” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn.
Như vậy, bản thân người lãnh đạo cao nhất thành phố cũng đã không giấu sự bức xúc, thể hiện sự đồng cảm với hàng chục triệu con người vừa đi qua cơn hồng thủy trong bão số 9. Bão không lớn, không mạnh, chỉ mưa nhiều và gió to, nhưng nhiều đường phố nước ngập lút yên xe máy, nhiều ngõ hẻm dọc quốc lộ 1 khu vực Quận 12, trưa ngày sau bão, nước ngập tràn qua cửa sổ nhà và người ta đã bơi thực sự để di chuyển trên đường hẻm – nơi lẽ ra dùng chân đi. Không ít gia đình phải thức trắng đêm… lo việc nước !
“Tức cảnh sinh tình”, trên mạng xã hội đã xuất hiện những câu vè ngập nước, đại loại như “Nguyễn Hữu Cảnh ngập lút bánh”, “Ung Văn Khiêm ngập tới ch…”. Thoạt nghe, có thể hơi khó chịu,, nhưng đó cũng là một chiều dư luận xã hội cần được chia sẻ.
Điều đáng mừng là đã hết mùa mưa, nên chuyện ngập nước chắc chắn sẽ được dư luận tạm quên đến… mùa mưa năm sau. Chuyện đau đầu hiện giờ đang nằm ở trung tâm điều hành Chương trình chống ngập thành phố: trong khó khăn, lãnh đạo thành phố vẫn dành hàng ngàn tỷ ngân sách năm nay để chống ngập, nhưng Trung tâm lại… không chịu xài – theo cácchương trình dự án đã phê duyệt.
Ai cũng biết có nhiều nguyên nhân gây ngập: đô thị phát triển nhanh nhưng thiếu phối hợp đồng bộ giữa các ngành, diện tích và khả năng thoát nước tự nhiên bị thu hẹp, kênh rạch bị lấn chiếm và bồi lấp, nhiều khu dân cư tự phát triển cơ sở hạ tầng do trước đây chưa có quy hoạch, mưa lớn lúc triều cường… Cư dân Sài Gòn cũng biết rõ vùng Quận 2, Quận 9 xưa chỉ rãi rác dăm vùng gò đồi cao ráo, còn lại bao la đất thấp bưng biền, chen chúc dừa nước, ô rô, cóc kèn ngập nước lúc triều lên, trơ bùn khi triều rút; vùng Quận 7 tương tự, cứ qua đường Trần Xuân Soạn là đã thấy dừa nước mọc đầy, xen lẫn những ao cá và… “cầu cá” ngay ven đường, dài đến chân cầu Rạch Ông qua Quận 8.
Rõ ràng, ba quận 2, 7, 9 đều là vùng trủng thấp, chưa kể các vùng ven Quận 6, 8, đa phần quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè trong quá khứ cũng vậy, dẫy đầy ao rau muống, ruộng lúa… Ai muốn lập vườn ở những vùng này phải đào mương lấy đất, đắp cao lên thành liếp mới trồng cây được.
Nay, đất thấp đô thị, thành phố mất đi những hồ điều tiết tự nhiên, nước mưa không đường thoát dồn ứ trên đường phố hoặc theo lối thoát nào có thể, lại chảy tuôn cuồn cuộn một cách hung hãn, bạo liệt… như dòng chảy đã cuốn người thanh niên tội nghiệp xuống dòng kênh đen.
Sài Gòn ngập, trong một bối cảnh phức tạp đan xen, nên chống ngập thực sự khó, và vẫn sẽ là nỗi lo của cư dân và chính quyền torng vài tháng nữa – khi mùa mưa 2019 gõ cửa.