Văn hóa giao thông đã trở thành vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của các ngành các cấp, của dư luận xã hội trong tình hình tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, gây ra những thảm họa không lường cho người dân, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu hội nhập của đất nước. Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia đã khẳng định: “Văn hóa giao thông chính là nền tảng để tạo nên một trật tự an toàn giao thông bền vững, một môi trường giao thông thân thiện nhân ái và xây dựng văn hóa giao thông là một phần quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Bởi lẽ, văn hoá giao thông chính là “bộ mặt của văn hóa đô thị” và hơn hết nó là “thước đo về văn hiến của dân tộc”.
Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam, nhất là các đô thị lớn diễn biến hết sức phức tạp, trở thành vấn nạn cho đất nước. Theo Thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc Gia, mỗi năm nước ta có khoảng 12.000 – 13.000 vụ tai nạn giao thông làm mất đi 12.000 sinh mạng và làm bị thương gần 10.000 người. Trung bình mỗi ngày có 31 người chết do tai nạn giao thông. Chỉ riêng số người chết cứ 5 ngày tương đương một thảm họa hàng không (mà nhiều nước tiến hành quốc tang). Con số này còn cao hơn cả số người chết do các đại dịch nguy hiểm khác mang lại. Đây thực sự là một tình trạng đáng báo động, là mối lo ngại sâu sắc đối với tất cả mọi người, mọi gia đình. Trật tự an toàn giao thông do vậy đã và đang trở thành vấn đề bức xúc xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản con người, cản trở không nhỏ đến tiến trình phát triển nhanh và bền vững của xã hội. Tại cuộc họp báo về Văn hóa giao thông tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 6 năm 2010, ông Dumitru Qlaru, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Rumani cho rằng: “Giao thông ở các thành phố lớn Việt Nam giống như cái sân khấu đang diễn đủ trò và người nước ngoài muốn qua đường phải nhắm mắt lại…”
Có thể nêu ra nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình giao thông hiện nay, gây ra tình trạng nghiêm trọng về tai nạn giao thông, như: đường sá còn hẹp, xấu, chưa tương xứng với sự phát triển của phương tiện và nhu cầu giao thông; luật lệ giao thông chưa hoàn hảo; mức phạt việc vi phạm giao thông chưa nặng đủ để răn đe; việc thi hành luật chưa nghiêm, còn phổ biến tệ xin – tha; Số lượng các xe cơ giới đủ các loại đan xen, xe ôtô, xe máy tăng lên rất nhiều (20 triệu chiếc xe máy, gần nửa triệu xe ôtô các loại,..), chất lượng phương tiện cũng như người điều khiển trong đó một số rất kém, còn duy trì lượng xe quá hạn sử dụng; thiếu trạm đỗ xe dọc đường; thiếu lực lượng cảnh sát giao thông và phương tiện điều tra,..
Ngoài những nguyện nhân khách quan đó, còn nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông là điều đáng chú ý, đặc biệt là thái độ “vô tư” về luật pháp và đạo đức. Những biểu hiện sai trái trong việc tuân thủ luật lệ giao thông, hay bao quát hơn là hành vi lệch chuẩn nói chung, là có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa. Noí cách khác, có thể coi đây là khuynh hướng bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên sẳn có, mà một số nhà nghiên cứu cho rằng cò nguyên nhân từ nền văn hóa tiểu nông. Sở dĩ văn hóa giao thông Việt Nam thuộc loại kém phát triển một phần cũng do điều kiện của xã hội cổ truyền ở nước ta. Do bản chất nông nghiệp sống định cư cho nên người Việt truyền thống ít có nhu cầu đi lại, di chuyển: có đi thì đi gần nhiều hơn đi xa. Nhiều cụ già nông thôn suốt đời không hề bước chân ra khỏi làng mình, mặc dù chỉ cách đô thị có vài cây số. Vì vậy, dễ hiểu tại sao trước đây ở Việt Nam, giao thông thuộc loại lĩnh vực kém phát triển nhất, khác hẳn với phương Tây là nơi của những nền văn hóa gốc du mục, cho nên giao thông ở đó lại thuộc loại lĩnh vực phát triển hơn cả. Về phương tiện đi lại thì giao thông đường bộ xưa ở Việt Nam cũng ít phát triển. Cho đến tận khi Pháp vào chỉ có những con đường nhỏ. Phương tiện đi lại và vận chuyển ngoài sức trâu, voi, ngựa, thì phổ biến là đôi chân. Công văn giấy tờ của nhà nước chủ yếu cũng được chuyển phát theo cách này. Quan lại thì di chuyển bằng cáng, kiệu. Thời Nguyễn nhà nước mới tổ chức được hệ thống ngựa trạm, công văn chuyển từ kinh đô Huế vào đến Gia Định Sài Gòn đi mất bốn ngày. Ở các đô thị, phổ biến loại xe tay do người kéo, sau này kết hợp với xe đạp để trở thành cái xích lô vẫn được dùng phổ biến đến tận bây giờ. Phương tiện đi lại phổ biến ở Việt Nam từ ngàn xưa là giao thông đường thủy vì địa hình sông nước. Đến thế kỉ XVIII, dưới con mắt người phương Tây, tình hình giao thông ở Việt Nam được mô tả là: “Xứ này không có đường cái lớn, lại chằng chịt ruộng đồng. Muốn đến Huế cũng như bất cứ nơi nào đều phải đi bằng đường biển hay đường sông.” Chính vì vậy mà trong dân gian Việt Nam đã tạo dựng một dòng văn hóa ứng xử trong việc bước ra đường, tức là sinh hoạt đi lại, gọi theo ngôn ngữ thời đại là “tham gia giao thông” thường chỉ hoạt động di chuyển bằng đường thủy, ví như: khi người mẹ bảo con cái: “Ra đi mẹ dặn lời này – Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”, là người mẹ đã phát tín hiệu cảnh báo những hiểm nguy rình rập, cái mà trong thời nay người ta giới thuyết bằng biến báo, quy chế và luật lệ. Hay “Đi bộ thì khiếp Hải Vân – Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi”, đó cũng là “biển báo giao thông” thủy bộ, địa danh “đoạn đường thường xảy ra tai nạn” được đúc kết để cảnh giác “người tham gia giao thông” cẩn thận. Điểm qua một ít ký ức lịch sử sinh hoạt trong tâm thức dân gian về cái sự “đi” để thấy rằng, người Việt trong truyền thống thiếu văn hóa ứng xử đường bộ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gốc dẫn đến việc ý thức chấp hành luật giao thông kém và đòi hỏi cần phải có văn hóa giao thông đường bộ.
Vấn đề giao thông đã được xã hội đồng thuận trong việc nhận thức văn hóa giao thông chính là nền tảng để tạo nên một trật tự an toàn giao thông bền vững, là một bộ phận cấu thành nếp sống văn minh đô thị, là yếu tố góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, xây dựng văn hóa giao thông là một nội dung quan trọng trong sự phát triển của đất nước mang tính đạo lý sâu sắc và nhân văn cao cả, đòi hỏi sự nổ lực, quyết tâm phấn đấu bền bỉ của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của toàn xã hội.
Văn hóa giao thông (VHGT) là một khái niệm rất rộng, nó bao hàm cả lĩnh vực văn hóa đời sống, tổ chức, pháp luật và hơn hết là đặc thù môi trường văn hóa của mỗi dân tộc. Không phải ngẫu nhiên GS Vũ Khiêu gọi “VHGT là một thước đo về văn hiến của dân tộc”. Có thể nói, văn hoá giao thông là toàn bộ những yếu tố văn hóa ảnh hưởng và thể hiện về mặt trật tự giao thông trên đường phố. Là cả tri thức, hiểu biết, thói quen và hành vi của các chủ thể có liên quan đến giao thông. Nó không chỉ thể hiện ở mặt pháp lý/pháp luật mà còn ở mặt đạo lý, ở ý thức thẩm mỹ trong hành vi đô thị. Như vậy, văn hóa giao thông là cả văn hóa thực hành giao thông (mặt lộ rõ) và văn hóa quy hoạch giao thông, văn hóa quản ký, quản trị giao thông (mặt tiềm ẩn). Nó thể hiện thái độ tích cực tham gia an toàn giao thông, là trạng thái mà người tham gia giao thông đúng luật, cao hơn nữa có ý thức tuân thủ các chuẩn mực pháp luật, đạo đức, truyền thống một cách tự giác. Những đặc điểm như vậy đang là tiêu chí của con người có nhân cách văn hóa, của một xã hội văn minh.
Ngày nay đi vào hoạt động xây dựng đất nước, Việt Nam đang chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp hiện đaị, chuyển từ văn hóa xóm làng sang nền văn hóa đô thị. Do đó, cần phải đồng thời xây dựng hai hệ thống trong vấn đề giao thông: Hạ tầng kỹ thuật vốn lạc hậu cùng với hạ tầng văn hóa xã hội vốn nặng tâm thức tiểu nông. Vì vậy, Xây dựng văn hóa giao thông đồng nghĩa với việc phải nâng cao ý thức mọi người khi tham gia giao thông. Công việc này là trách nhiệm của toàn xã hội và được thực hiện mọi lúc mọi nơi, cần bắt đầu ngay với sự tham gia của lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể, nhất là sự tự giác của người tham gia giao thông.