Tháng cuối năm, đã có những đánh giá sơ bộ mang tính gần đúng về kinh tế thành phố 2018: tăng trưởng tốt, nộp ngân sách Nhà nước gần 37 ngàn tỷ đồng – tức là hơn 1 ngàn tỷ mỗi ngày. Năng suất lao động của thành phố dẫn đầu cả nước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Dân số đông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và quá tải, rõ ràng thành phố đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức để đạt những thành quả như vậy. Một son số minh họa dễ thấy: số lượng hồ sơ hành chính giải quyết trong năm 2018 ước tính là… 14 triệu hồ sơ, bình quân hàng ngày là 45.000 hồ sơ, bằng với lượng hồ sơ hành chính trong một năm của nhiều tỉnh, thành khác. Đây là số liệu được công bố bởi Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Trần Vĩnh Tuyến, ngày 2/12/2018, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi, có chủ đề “Công dân Thành phố Hồ Chí Minh – Tự hào và trách nhiệm”, do Hội đồng nhân dân và Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Trên bình diện cả nước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 11 tháng qua đã chạm ngưỡng 224 tỷ USD, dự kiến cả năm khoảng 240 tỷ USD, so với 214 tỷ USD đạt được năm 2017 là tăng hơn 10%. Cũng năm 2017, tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 27, là nước xuất khẩu mạnh, chỉ đứng sau các nước Malaysia, Singapore và Thái Lan – trong khu vực ASEAN.
Kết quả xuất khẩu năm 2018 tăng cao hơn, tiếp tục khẳng định vị trí đất nước trên trường quốc tế.
Cũng cần kể đến việc Quốc hội chính thức thông qua thỏa thuận tham gia HIệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11 vừa qua. Nếu lấy mốc năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, là bước đi chính thức vào tiến trình hội nhập, bước đi thứ hai là năm 2007 khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì nay là bước đi thứ ba, gia nhập vào thương trường toàn cầu ở một cấp độ sâu, rộng hơn rất nhiều lần. Với hai bước đi trước, nước ta thoát nghèo, thu hút mạnh các luồng vốn đầu tư, kinh tế phát triển tốc độ cao. Bước thứ ba, bước vào CPTPP, cơ hội rất lớn để tiếp tục thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu, nhưng đòi hỏi từng doanh nghiệp, doanh nhân phải nỗ lực vươn lên, tránh nguy cơ tụt hậu, “lỡ chuyến tàu” này.
Toàn cầu hóa đặt gánh nặng lên vai những doanh nhân, gần như đảm đương vai trò xung kích trong cuộc chiến cạnh tranh thương trường, tìm đường phát triển, phát hiện cơ hội, đối chiếu các lợi thế so sánh, thiết lập các công cụ phòng ngừa rủi ro nếu có và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực thực hiện. Nhiều chuyên gia kinh tế còn khẳng định thành phần kinh tế tư nhân luôn năng động, nhạy bén, sáng tạo và thích nghi nhanh, sẽ là đội quân chủ lực, quyết định thành bại khi Việt Nam gia nhập sân chơi lớn toàn cầu.
Lãnh đạo thành phố chọn chủ đề chính cho năm 2019 là Cải Cách Hành Chính với mong muốn lớn: phục vụ người dân tốt hơn, và hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp, doanh nhân trong hành trình chinh phục thị trường, dấn thân khai phá kiến tạo cơ nghiệp. Đây được xem như một tín hiệu rõ ràng gửi đến các thành phần kinh tế: chính quyền các cấp luôn đồng hành với doanh nhân tiến lên phía trước.
Chỉ là một quận hành chính có diện tích nhỏ, nhưng Quận 5 lại là một vùng kinh tế quan trọng, trong hệ thống kinh tế thành phố lâu nay. Vì vậy, có thể kỳ vọng trong tương lai gần, những hành động và giải pháp mang tính đột phá về cải cách hành chính cũng sẽ được định hình, triển khai tại Quận 5, trong sự đón nhận hân hoan của người dân và doanh nghiệp.