Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên khi về nghỉ hưu, về với cuộc sống đời thường vẫn luôn phát huy tính tiền phong gương mẫu, kiên định lập trường tư tưởng. Nhưng thời gian qua, hiện tượng cán bộ nghỉ hưu có những phát ngôn, lời nói thiếu chuẩn mực, khác so với lúc còn đương chức đã gây ra những hậu quả xấu, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Một số trường hợp như:
- Có cán bộ lãnh đạo lúc đương chức thì rất ít có các phát biểu chất lượng, nhưng khi nghỉ hưu thì lại có nhiều phát ngôn đột phá, thậm chí tuyên chiến với tệ báo cáo sai sự thật trong chính lĩnh vực mình đã quản lý. Đó là hiện tượng đáng buồn về tinh thần tự phê bình và phê bình của người đảng viên.
- Có cán bộ nghỉ hưu do những bức xúc, mâu thuẫn cá nhân dẫn đến nói xấu Đảng, Nhà nước hoặc đưa ra những tuyên bố tiêu cực như xin ra khỏi Đảng.
- Một số cán bộ nghỉ hưu, thiếu thông tin nhưng tham gia mạng xã hội, lại xa rời tổ chức, thiếu sự quản lý nên có những phát ngôn, bình luận thiếu ý thức chính trị; trước những hiện tượng tiêu cực xã hội, dễ bị nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất, thường bình luận chủ quan hoặc chia sẻ những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng từ những nguồn thiếu tin cậy.
Từ những suy nghĩ tiền hậu bất nhất, có thể phản bội cả lý tưởng, đi chệch cả con đường mà bản thân từng dành cả cuộc đời cống hiến, hy sinh. Khi đó, những người tự đánh mất chính mình cũng đánh mất tất cả.
Từ những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ một tình trạng không lành mạnh trong Đảng: “… Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm””.
Hiện tượng này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ trong biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đó là: “…nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.
Nguyên nhân có cả lý do khách quan và chủ quan. Lý do khách quan là việc thực hành dân chủ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình chưa tốt, còn biểu hiện hình thức. Nhưng cái chính vẫn bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan, đó là sự yếu kém trong rèn luyện, tu dưỡng bản lĩnh chính trị, hình thành phẩm chất trung thực, thẳng thắn của người cán bộ, đảng viên.
Cán bộ nghỉ hưu là một bộ phận quan trọng của xã hội, tuy đã “hưu” nhưng “trí” còn sáng, “tâm” còn đầy nhiệt huyết đối với cộng đồng. Tiếng nói của cán bộ nghỉ hưu rất có uy tín trong xã hội bởi kiến thức, vị thế xã hội, kinh nghiệm và uy tín tích lũy sau nhiều năm công tác. Hơn nữa, lúc nghỉ hưu cũng là dịp mỗi cán bộ, đảng viên có điều kiện, thời gian chiêm nghiệm, đúc kết và bày tỏ những kinh nghiệm, trăn trở, tâm huyết đối với Đảng, Nhà nước, với xã hội và cộng đồng. Đó là điều rất đáng trân trọng.
Hiện nay, những biểu hiện nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu chỉ là hiện tượng cá biệt trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng điều đáng lo ngại là những biểu hiện này đã và đang có những tác động hết sức nguy hiểm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.