Lễ Giáng sinh, mừng ngày Chúa Giê su sinh ra đời, từ lâu đã bước qua ranh giới của một lễ hội tôn giáo, trở thành một dịp lễ hội lớn của nhiều quốc gia trên thế giới từ Âu sang Á, và được gọi một cách thường hơn: lễ Noel, với một số biểu trưng mang tính quốc tế: ông già Noel, xe kéo tuần lộc, cây thông tuyết phủ cùng nhiều vật phẩm trang trí đi kèm như đèn chớp, trái châu, thiệp mừng…
Sài Gòn, thủ phủ cả vùng Đông Dương thời thuộc Pháp, có lẽ là đô thị “Tây hóa” sớm nhất, lâu nhất, nên ngày lễ Noel cũng sôi động và náo nhiệt nhất, không đô thị Việt nào sánh bằng. Hàng năm, cứ vào chiều 24/12, nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố và khu vực nhà thờ Đức Bà ở Quận 1 đã “cấm cửa” xe cộ, dành chỗ cho người đi bộ tiến vào trung tâm tham gia cuộc vui Noel. Thanh niên nam nữ các nơi tấp nập đổ về, đúng nghĩa đen của từ “đi trẩy hội”. Sau 7 giờ tối, suốt đoạn đường Đồng Khởi từ trước nhà thờ dài đến Bến Bạch Đằng chỉ thấy đầu người lô nhô, chen nhau đi, vòng qua phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng vậy, không dễ tìm được chổ trống để dựng hình, quay clip.
Dịp Noel là cuộc chơi của số đông giới trẻ, nhưng cũng là cơ hội làm ăn sôi động nhất trong năm, kéo dài đến trước tết Dương lịch. Năm nay, ngay từ tháng 10, những dấu hiệu đầu tiên báo tin về Noel là cây thông, trái châu, đèn chớp, đồ ông già Noel đã được trưng bày ngay trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5, gần chợ Kim Biên. Hàng phục vụ Noel từ đây theo những chuyến xe tải tỏa đi đến các tỉnh thành miền Tây, miền Trung, lên tận Tây Nguyên, xuyên biên giới sang tận Campuchia… Anh Hoàng, chủ một cửa hàng cho biết: Giờ này sát ngày Noel, chỉ còn bán lẻ lai rai, ít ai mua giờ chót. Bán sỉ bây giờ chỉ còn đồ trang trí dịp Tết Âm lịch. Giá cả năm nay ổn định như năm ngoái. Riêng đèn chớp, nhiều người vẫn chuộng giá rẻ, loại 50 bóng giá 18.000đ – 20.000đ/sợi từ Trung Quốc nhập về, bất kể chất lượng, miễn… cắm điện thử, đèn chớp là được.Ăn theo Noel là khu vực phố thời trang Nguyễn Trãi. Giữa tháng 12, số người đi mua sắm ở con đường này lên tới cao trào, đông nghẹt đường, đoạn từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ đến giáp Trần Phú.
Dạo phố Sài Gòn mùa Noel, nhìn thôi cũng vui rồi! Là nhận định chung của nhiều người, đặc biệt những tân sinh viên từ các tỉnh, mới nhập học tại thành phố vài tháng nay. Tất cả các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà hàng đều trang trí Noel ngay tiền sảnh, hoặc ngay lối ra vào, thậm chí cả một khu tiểu cảnh hoành tráng có máy phun tạo tuyết giả bay bay… Khu xóm đạo Phạm Thế Hiển thuộc Phường 7, Quận 8 năm nào cũng vậy, chạy dài hàng cây số hai bên đường với loại hình trang trí, đèn sáng rực suốt đêm, thu hút hàng đoàn xe máy từ các nơi rủ nhau về, chạy rề rề, thỉnh thoảng dừng lại chụp hình, quay clip… mãi không thấy chán. Nhiều người nán lại xem đến tận khuya.
Đồng bào người Hoa theo đạo Công giáo không nhiều. Cả thành phố Hồ Chí Minh chỉ có ba nhà thờ cử hành thánh lễ bằng tiếng Hoa, và hai trong số đó ở Quận 5: nhà thờ thánh Giu se, đường An Bình và nhà thờ thánh Phanxi cô Xa vi e, đường Học Lạc – thường được gọi là nhà thờ Cha Tam. Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình trên đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 cũng hành lễ bằng tiếng Hoa, là một nhà thờ khá đặc biệt. Nguyên thủy, đây là nhà từ đường của đại phú người Hoa Hui Bon Hoa, dân gian quen gọi tắt là Chú Hỏa. Tương truyền rằng sau nhiều tai họa xảy ra cho gia đình, đến thập niên 50 thế kỷ trước, hậu duệ Chú Hỏa đã hiến tặng ngôi từ đường này cho Giáo hội Công giáo Sài Gòn sử dụng làm nhà thờ cho tới nay. Vì vậy, kiến trúc nhà thờ mang màu sắc văn hóa người Hoa, với mái ngói cong, cột đỏ, có đối liễn hai bên… tương tự nhà thờ Cha Tam ở Quận 5. Tuy nhiên, qua vài lần chỉnh trang, kiến trúc ngoài nay thay đổi nhiều, chỉ còn hàng chữ Hoa văn trên cổng vào, và may mắn là màu sắc văn hóa người Hoa vẫn còn nguyên vẹn ở nội thất bên trong.
Ngày lễ Noel đã được quốc tế hóa, vượt ra khỏi bức tường tôn giáo thâm nghiêm, và thành phố Hồ Chí Minh nghiễm nhiên là nơi vui Noel náo nhiệt nhất nước – như một bước đi trước trên đường hội nhập.