Văn phòng tứ bảo gồm “bút, nghiên, giấy, mực” là bốn vật quý của chốn làm văn, trung gian chuyên chở ngôn ngữ, ý nghĩa và nghệ thuật. Nó dùng chung cho tất cả những ai làm việc có liên quan đến chữ viết, hình vẽ, xưa từ vua chúa, quan lại, văn nhân, nhà giáo, thầy thuốc,…đều phải sử dụng và đặc biệt gắn bó mật thiết với các nhà thư họa.
* Bút (viết)
Trong bốn vật quý, bút đứng hàng đầu vì không có bút tốt thì khó mà thi triển tài năng. Chính vì thế mà người Trung Quốc bảo rằng “mặc áo cũ nhưng phải dùng bút mới”. Trong văn phòng tứ bảo, bút có đời sống ngắn ngũi nhất. Nhưng chính nó lại đóng vai trò quan trọng nhất trong thư pháp. Giấy xấu mực tồi, có thể khiến cho tác phẩm khó lưu giữ, nghiên kém phẩm chất khiến việc mài mực mất công hơn, còn bút dở thì dù người viết có tài thế nào cũng khó mà thi triển khả năng, cũng như đàn lên dây không đúng thì người nhạc sỹ không sao trình tấu cho hay được. Vì thế, một thư pháp gia bao giờ cũng coi bút là hàng đầu trước khi lo đến ba vật kia.
Nếu ở châu Âu từ năm 56 biết dùng lông cánh thiên nga, ngỗng, quạ để viết thì ở Trung Quốc, ngay khi đã có giấy và mực, người ta ghi nhận Mông Điềm (đời nhà Tần) là người đầu tiên chế ra cây bút lông (khoảng 200 năm TCN). Ngòi bút chủ yếu được làm từ lông tơ của một số con vật. Tùy theo tính chất của giấy hoặc ý đồ của nhà thư họa mà họ chọn các kiểu ngòi bút cho phù hợp. Nếu viết nhanh trên giấy mỏng thì ngòi là lông chim ác là, chim trĩ. Nếu viết chữ to trên giấy bìa hoặc vải lụa thì ngòi là lông chồn, mèo, hổ, đắc dụng nhất là lông thỏ,... Muốn viết chữ to hay nhỏ, sử dụng mực / màu lỏng hay đặc quánh… người ta dùng bút có ngòi bằng lông cứng (như lông đuôi ngựa) hay mềm (như lông thỏ). Hiện, người ta làm ngòi bằng sợi tổng hợp nhưng không hơn được lông thú nhờ ưu điểm ngậm mực nhiều, nét chữ tưa ra cũng là một yếu tố tạo dáng đặc biệt, giúp chữ viết đẹp hơn.
* Giấy
Giấy xuất hiện muộn hơn so với bút và mực. Tiền thân của giấy (dùng trong việc ghi chép) hẳn người ta chỉ có thể viết trên đất, cát, rồi sau đó trên lá cây, mai rùa, da động vật, hoặc chạm khắc trên thanh tre, ván gỗ, đồ gốm, đá, đồng… tuỳ theo nền văn minh từng thời kỳ, rồi sau đó tất nhiên là giấy.
Con người đã biết làm ra giấy ít ra cũng ngay từ những năm đầu Công nguyên, nhưng xấu, không viết được, chủ yếu chỉ dùng để gói. Cho đến đời Đông Hán, vào năm 105, hoạn quan Thái Luân (Xái Luân) đã hoàn thành một công nghệ sản xuất dây chuyền chế tạo giấy tương đối cố định. Sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, tạo một bước ngoặt lịch sử hết sức phấn khởi trong việc phục vụ ghi chép và làm sách. Năm đầu Nguyên sơ (114) Thái Luân được phong tước Long Đình Hầu. Để kỷ niệm, sau này người ta gọi thứ giấy ông chế tạo là “giấy Thái Hầu”, và tôn làm Tổ sư, lập đền thờ, bốn mùa hương khói.
Công dụng chủ yếu của giấy là để ghi chép, bày tỏ tâm tư, tình cảm, phổ biến tư tưởng và ghi chép mọi diễn biến lịch sử cùng là những dấu ấn tiến hóa xã hội loài người từng thời kỳ. Sự phát minh sản phẩm văn hóa này đã đánh dấu một bước ngoặt vượt bậc của nền văn minh nhân loại. Nhờ có giấy mà xã hội con người đã sớm xích lại gần nhau, hiểu biết, và cảm thông nhau. Giấy (tất nhiên có cả chữ viết, chữ in và hình ảnh trên giấy) là phương tiện giao lưu văn hóa đắc dụng nhất trong quan hệ con người không chỉ trong cùng một thời đại, mà nó còn chuyên chở, trao truyền những phát kiến, thành tựu mọi mặt trong sinh hoạt đời sống như một dòng chảy liên tục từ thế hệ này đến thế hệ khác đặc biệt là trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khoa học, xã hội và nhân văn.
* Mực
Con người bắt đầu dùng mực từ 2.500 Tr CN. Người Trung Quốc và Ai Cập sử dụng nó trước tiên. Giữa thời Ngụy Tấn mới chế ra thỏi mực bằng cách lấy khói sơn hòa với than tùng hoặc bồ hóng khuấy với dầu thực vật, keo thực vật (nhựa thông) làm thành những thỏi mực vuông và dài, gọi mực Tàu. Đối với người Trung Quốc, mực là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình phát triển của văn hoá truyền thống Trung Hoa. Trong tiếng Hán tượng hình, chữ “Mo” (âm Hán – Việt là mặc) được biểu đạt bằng một chữ “Hắc” 黑 (đen) bên trên và chữ “Thổ” 土 (đất) ở phía dưới. Nó nói lên nguồn gốc chất liệu đầu tiên của sản phẩm này. Đó là một loại đá đen tự nhiên hay bán tự nhiên.
“Văn phòng tứ bảo” mực lại là sản phẩm tốn nhiều công lao và thời gian nhất. Tính ra có đến hơn 20 giai đoạn, dùng nhiều kỹ thuật khác nhau, lại thêm một số bí mật gia truyền. Người Trung Hoa thường nói: “ Vàng dễ kiếm, mực khó tìm”. Trong thư pháp, mài một đĩa mực là lúc người nghệ sĩ đặt hết tâm hồn, để cho lòng tĩnh lặng. Đổ một chút nước lên mặt nghiên, một tay giữ nghiên cho vững, tay kia cầm thỏi mực quay đều đặn, chầm chậm theo hình tròn cho tới khi mực sánh lại. Mực tốt không bao giờ nghe tiếng sột soạt khi mài và người biết cách mài không thể cho thỏi mực vạt một bên.
Đáp ứng nhịp độ nhanh của cuộc sống hiện đại, ngày nay, mực cũng được sản xuất và bán ra dưới dạng đóng chai để tiết kiệm thời gian cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, mực phải được mài trên nghiên đá, mới là thứ mực “hoạt” (sống), là thứ mực chứa đựng sự hài hòa âm dương. Và công đoạn mài mực không phải là việc tốn thời gian mà chính là lúc người nghệ sĩ có thể tập trung tâm thức trước khi múa bút tạo nên tác phẩm của mình. Có như vậy, ta mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của động tác mà Tô Thức (1034 – 1101), thi sĩ nổi tiếng đời Tống đã từng ngợi ca, rằng âm thanh của tiếng mực mài trên nghiên như một thứ âm nhạc thanh bình và tao nhã.
* Nghiên
Nghiên hay nghiễn xuất hiện cùng thời với mực. Đại thể, nghiên có dạng như một miếng ngói đặt úp, có một chỗ trũng, trẹt để mài mực và chứa mực dùng vào việc viết chữ.
Đối với kẻ sĩ, cái nghiên là “đồ nghề”, là người bạn quý, và bản thân của nghiên cũng là vật quý, vì nó thường được chế tác bằng đá quý, cẩm thạch. Đó là nghiên của quan, còn của vua thì bằng ngọc, bằng mã não (học trò nghèo thì dùng nghiên bằng sành). Cho dù làm bằng chất liệu gì cái nghiên cũng phải hơi nhám để mài mực, không răn nứt. Và tất nhiên nghiên càng đẹp thì càng có giá trị. Một cái nghiên tốt bao giờ mài cũng trơn và không nghe tiếng kêu.
Trong bốn vật quý, nghiên tuy không giữ vai trò then chốt nhưng được các văn nhân xưa xem trọng hơn cả, bởi nó gắn bó cả đời với người sử dụng, xem nghiên như miếng ruộng, bút như cây cày, rất cần thiết cho đời sống: “Nghiên ruộng bút cày”! Các cụ xưa còn bảo rằng chiếc nghiên đá là vật linh để trấn giữ phòng văn, là nơi tụ hội khí tinh anh của trời đất.
Sáng tác một bài thơ, một đôi câu đối, mài mực một cách khoan thai để cho hồn lắng đọng rồi tập trung tinh thần viết những nét rồng bay phượng múa trên một tờ giấy hoa tiên là một sảng khoái không phải ai cũng có được. Có lẽ vì thế, mà nghiên bút là vật dụng không thể tách rời của văn nhân.
Ngoài “văn phòng tứ bảo” nói trên, còn những vật dụng phụ trợ khác đem lại sự tiện lợi trong khi luyện chữ mà nhiều thư gia, họa gia cũng kén chọn. Có thể kể đến là: ống đựng bút, giá tựa tay, bồn rửa mực, lọ đựng nước, giá gác bút, cục chặn giấy. Một vật dụng khác tuy không được xếp vào tứ bảo nhưng cũng độc đáo và quan trọng, đó là con dấu (ấn hay tỉ), vì đó là thứ bảo chứng quan trọng còn hơn cả chữ ký.
Như vậy, “văn phòng tứ bảo” là một thuật ngữ dùng để chỉ chung cho tất cả những vật dụng cần thiết cho “người viết chữ” chứ không phải bốn món giấy, bút, nghiên, mực! Nói như ngày nay thì nó là “văn phòng phẩm”. Và cái “quý” (bảo) đúng nghĩa là quý cái đồ nghề, nhờ nó mà văn nhân mới biểu đạt được tác phẩm vật thể của mình và lưu truyền cho hậu thế.