Cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta đạt gần 245 tỷ USD, đạt dấu mốc kỷ lục mới trong lịch sử. Đây là một thành tựu vượt bậc, nếu so với kim ngạch xuất khẩu của 20 năm trước là 9,3 tỷ USD – năm 1998, và 10 năm trước – năm 2008 là 62,7 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu cao là nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh, mang về ngoại tệ cho đất nước chi dùng trong các hoạt động nhập khẩu, phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường sức mạnh quốc phòng để tự vệ, tích lũy nguồn lực tài chính quốc gia trên bước đường công nghiệp hóa.
Ở khu vực châu Á, hiện chỉ có 3 quốc gia đạt kim ngạch xuất khẩu trên 500 tỷ USD/năm là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, với vị trí đầu bảng là Trung Quốc – kim ngạch xuất khẩu là trên 2.200 tỷ USD/năm.
THÀNH QUẢ TỪ TẦM NHÌN 30 NĂM
Con số 245 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hôm nay hết sức ý nghĩa, khi nhớ lại rằng năm 1987, quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm này chỉ đạt 854 triệu USD, trong lúc nhập khẩu là 2,54 tỷ USD – gần gấp ba lần xuất khẩu, cán cân ngoại thương bị lệch theo hướng triền miên nhập siêu. Luật Đầu tư nước ngoài ra đời chính là lời khẳng định của công cuộc đổi mới, đồng thời như lời mời gọi giới đầu tư quốc tế tìm đến một Việt Nam bắt đầu mở cửa.
Thời gian dần trôi… thoắt cái đã 30 năm. Nhiều luật mới đã ra đời, Luật Đầu tư nước ngoài cũng không ít lần sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, cởi mở hơn, thủ tục rút gọn hơn và tăng cường sự minh bạch, ưu đãi đầu tư. Từ đây, doanh nghiệp các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều, quy mô ngày một lớn, trở thành nguồn lực chính làm nên tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của kim ngạch xuất khẩu năm 2018: xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 170 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 71% giá trị kim ngạch xuất khẩu chung.
Rõ ràng, với một tầm nhìn xa, xây dựng và thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, giờ đây chúng ta hái được trái ngọt hơn cả mong đợi.
NGUỒN XUNG LỰC MỚI: KINH TẾ TƯ NHÂN
Vui với kết quả xuất khẩu, nhưng cũng nhìn thấy sự bất cân xứng, nguồn lực đầu tư nước ngoài là nhân tố chính tạo ra hàng xuất khẩu, trong khi chưa phát huy hết tiềm lực dồi dào, tính sáng tạo và năng động của doanh nghiệp và doanh nhân trong nước, vừa qua, ngay trong phiên họp đầu năm, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm tập trung thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong năm 2019.
Là địa phương đảm đương vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thành phố Hồ Chí Minh lẽ tất nhiên cũng sẽ đi đầu thực hiện quyết sách lớn về kinh tế tư nhân, trong hoàn cảnh gần như chưa có một hệ thống giải pháp khuyến khích mới được ban hành hay định hình. Đây chính là một thách thức, khi thực tế cho thấy chỉ một việc nhỏ là chuyển những hộ cá thể kinh doanh có quy mô sang hình thức doanh nghiệp, vẫn đang tiếp tục “vướng”, vì tâm lý người kinh doanh e ngại thay đởi cách tính thuế chẳng hạn.
Tuy vậy, khó mấy cũng phải làm, và làm sao để doanh nhân nhìn thấy lợi ích cụ thể, rõ ràng khi mở mang việc kinh doanh, đầu tư chiều sâu vào sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để tăng sức cạnh tranh, giành thị phần… mới là điều đáng suy nghĩ, thay vì hô hào vận động, thuyết phục suông.
Nhìn rộng ra, kinh tế nước ta đang ở vào một tình huống khá đặc biệt. Nước mua hàng xuất khẩu nhiều nhất là Mỹ. Nước bán hàng nhập khẩu nhiều nhất cho Việt Nam là Trung Quốc. Hai nước đang đối đầu về thương mại – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – và không ai đoán định được tương lai diễn biến ra sao…? Chính vì vậy, nhu cầu nhanh chóng tự lực tự cường, phát huy nội lực còn tiềm tàng của lực lượng kinh tế tư nhân càng trở nên cấp thiết.
Hy vọng năm 2019 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới với kinh tế tư nhân, với đội ngũ doanh nhân đông đảo và năng động của Quận 5, góp phần vào dòng chảy kinh tế đang tăng tốc của thành phố và cả nước.