Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới OIE (World Organisation for Animal Health), ngày 01/8/2018, bệnh dịch tả heo Châu Phi - ASF (African swine fever) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 04 ổ dịch tả heo Châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số heo buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Mặc khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liêng bang Nga, Ba Lan, Cộng hòa Sec, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Romania, Nam Phi, Ukraina và Zambia) báo cáo có dịch tả lợn Châu Phi.
Dịch tả heo Châu Phi đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Trong khi đó, dù dịch tả heo Châu Phi vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng thông tin về dịch bệnh này đang được người quan tâm, bởi lẽ nó liên quan đến ngành chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và thịt heo là sản phẩm được tiêu thụ số lượng lớn. Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Y tế Ủy ban nhân dân quận 5 thông tin đến nhà chăn nuôi heo, nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm thịt heo và người tiêu dùng hiểu rõ hơn và có biện pháp phòng tránh hiệu quả dịch bệnh này.
1. Một số đặc điểm cơ bản về bệnh dịch tả heo Châu Phi
- Là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.
- Heo nhà và heo hoang dã đều mắc bệnh, heo mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.
- Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà chăn nuôi, do tỷ lệ heo mắc bệnh và chết cao lên đến 100%.
- Bệnh có nhiều biểu hiện: Thể quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình.
- Bệnh đặc trưng như thâm tím da phần lớn cơ thể, gây sung huyết và xuất huyết hầu hết các cơ quan nội tạng (tim, gan, thận, lách, phổi, hạch bạch huyết,…).
- Virus có sức đề kháng (sống tốt) trong môi trường ở pH từ 3.6 đến 11.5.
- Khi heo khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Do đó, nếu để bệnh xảy ra, sẽ rất khó loại trừ được mầm bệnh.
- Virus gây bệnh dễ bị tiêu diệt với các chất sát trùng: Formol 3‰ (3/1000) trong thời gian 30 phút; NaOH 8‰ (8/1000) trong thời gian 30 phút); hypochlorites - 2,3% chlorine trong thời gian 3 phút.
2. Biểu hiện bệnh
- Biểu hiện bên ngoài da: Hoại tử trên bề mặt da, xuất huyết dưới da tai, ngực, bụng
- Biểu hiện trên gan
- Biểu hiện trên phổi: Xung huyết, xuất huyết lấm chấm, khí quản và phế quản có chứa bọt.
- Biểu hiện trên thận: Xuất huyết dạng lấm chấm hoặc dạng đốm
- Biểu hiện trên lách: Sưng to, xung huyết, xuất huyết
- Biểu hiện trên tim: Xuất huyết lấm chấm hoặc dạng đốm ở màng ngoài tim.
3. Khuyến cáo đối với nhà chăn nuôi
Nắm vững những đặc điểm về bệnh dịch tả heo Châu Phi, sơ đồ truyền lây, các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài và bệnh tích nội tạng (gan, lách, phổi, tim,…) để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
4. Đối với sức khỏe cộng đồng
- Bệnh dịch tả heo Châu Phi không gây bệnh cho người.
- Tuy nhiên để bảo đảm sức khỏe và phòng chống dịch bệnh xảy ra trên heo, các nhà sản xuất, chế biến và người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch.
- Khuyến khích lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thịt heo đã được chứng nhận thuộc chuỗi thực phẩm an toàn (đã được kiểm soát từ khâu nuôi, giết mổ và kinh doanh) với dấu hiệu nhận biết thông qua logo “chuỗi thực phẩm an toàn”.
- Hoặc sản phẩm có tem truy xuất (để biết nguồn gốc heo từ trại an toàn với dịch bệnh hay không).
- Vi rút sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C trong thời gian 70 phút hoặc ở nhiệt độ 600C trong thời gian 20 phút. Do đó, phải nấu chế biến thịt heo chín kỹ và không nên sử dụng dạng tái (chưa chín hoàn toàn).