SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
5
8
9
8
Tin tức sự kiện 28 Tháng Giêng 2019 9:20:00 SA

Chia tay Mậu Tuất: Đất nước bình yên – Kinh tế phát triển

 

Số liệu thống kê chính thức xác nhận: kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 của nước ta đạt 480 tỷ đô la Mỹ - kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Con số này đã nói lên một thực tế hiển nhiên là kinh tế Việt Nam đã gặt hái những thành quả tốt đẹp, từ đó đời sống người dân cũng được cải thiện theo hướng tốt dần lên, đa phần được no cơm ấm áo. Trong cả nước, chỉ còn vài tỉnh thành xin chính phủ trợ cấp gạo, hỗ trợ dân nghèo trước Tết, thay vì hàng chục tỉnh như nhiều năm trước đây.

Rõ ràng, kinh tế phát triển mang lại nhiều đổi thay, nhưng không phải ai cũng thấy một tiền đề cơ bản, làm nền tảng cho sự phát triển: hòa bình! Hai chữ nhẹ tênh nhưng thực sự vô cùng quý giá – đặc biệt đối với dân tộc Việt, đã mãi miết đi qua hai cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ, chưa kịp nghỉ ngơi lại tới chiến tranh biên giới Tây – Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc… Bom rơi, đạn nổ, máu đổ và chất ngất đau thương cảnh chiến trường… là đoạn đường đất nước ta đã đi qua, và thực tế chỉ mới kết thúc vào năm 1989 – khi quân tình nguyện rút hết về nước, từ chiến trường K, tính ra vừa đúng 30 năm.

Năm 1989, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 4,5 tỷ đô la Mỹ, ít hơn 100 lần so với năm 2018. Có nghĩa, với 30 năm hóa bình, giá trị ngoại thương tăng hơn 100 lần. Đất nước thoát nghèo. Đường sá được mở mang. Những chuyến phà đưa khách sang sông ngày một hiếm hoi dần, do cầu được bắt khắp nơi. Những người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X chưa từng nếm trải mùi khói súng chiến tranh, nay lãnh nhận trách nhiệm giữ gìn và phát triển quốc gia, bước ra thế giới, trong khát vọng vì một Việt Nam giàu mạnh, tiến bộ, văn minh. Muốn vậy, điều tiên quyết là phải có hòa bình, để yên ổn làm ăn, hay nói trắng ra là chẳng ai dám dốc vốn, dựng nghiệp ở nơi máu lửa binh đao – như đất nước Syria hiện giờ chẳng hạn.

Do đó, để có hòa bình, luôn cần những người lính. Quốc gia có binh hùng, tướng mạnh thì chẳng có kẻ địch nào dám hùng hổ xông vào. Giữ gìn biển đảo, phòng thủ biên giới, trang bị vũ khí mới, rèn luyện quân đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu… đều là những việc cần thiết, đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa, phục vụ nhu cầu đất nước cần duy trì hòa bình vì sự nghiệp phát triển kinh tế.

Bảo vệ đất nước một cách vững chắc ngay trong thời bình chính là trọng trách của mỗi công dân, và phận sự của những người trai trẻ cụ thể là thi hành nghĩa vụ quân sự trong hai năm. Trong thời gian này, kỷ luật quân đội, kỹ năng chiến đấu, sử dụng vũ khí, trang bị… qua huấn luyện, thực hành sẽ thấm dần, thấm dần mỗi ngày cho đến khi thuần thục. Và khi những bàn tay thư sinh đã quen với cò súng, áo lính vừa phai màu, cũng là lúc… hết hạn nghĩa vụ!

Thực chất của khoảng thời gian hai năm ở trong quân đội chỉ vừa đủ để những người trẻ trải qua rèn luyện, trở thành những người lính dự bị cho tương lai, dự phòng cho những viễn cảnh, những tình huống đất nước ta buộc phải tự vệ.

Xưa, từ thời nhà Trần, cha ông ta đã khôn ngoan đề ra chính sách “Ngụ binh ư nông”, người lính được luân phiên về tham gia sản xuất nông nghiệp – là ngành sản xuất chính ở thời ấy – khi  giặc lăm le bước chân xâm chiếm, mới được gọi về tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Kết quả là nước Việt nhỏ nhưng không yếu, ba lần đánh bại vó ngựa xâm lược của quân Nguyên – Mông ngay trong thời điểm chúng là cường quốc quân sự hoành hành từ Á sang Âu, ít dân tộc nào đương cự được.

Ngày nay, tiếp bước cha anh, kế sách “Ngụ binh ư nông” chuyển theo thời đại, thay bằng chế độ nghĩa vụ quân sự nhưng cũng chỉ trong cùng một ý nghĩa: tập trung phát triển kinh tế trong thời bình, nhưng không quên rèn luyện binh lính, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, luôn luôn đảm bảo năng lực quân đội sẵn sàng đáp trả mọi mưu đồ xâm lược của ngoại bang.

Thành quả phát triển kinh tế hôm nay là đáng tự hào, trong đó có niềm tự hào của những người trẻ trong màu áo lính, giữ bình yên đất nước.


Số lượt người xem: 1444    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm