Năm 1981, trong hoàn cảnh khó khăn thời bao cấp, Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn – viết tắt là Cholimex được thành lập, với hy vọng tạo ra nguồn hàng xuất khẩu thu ngoại tệ từ chế biến nông – thủy sản các loại, từ đó nhập khẩu các loại hàng hóa vật tư thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, trong tình thế bị bao vây cấm vận kinh tế, lãnh đạo thành phố phải chạy lo gạo ăn cho mấy triệu miệng ăn người dân Sài Gòn. Gạo không đủ, phải thay bằng đủ loại lương thực khác: khoai, bắp, bột mì, bo bo… Thời ấy, gọi là “ăn độn”, vốn vô cùng xa lạ với đa số cư dân một đô thị sầm uất, lọt giữa một vựa lúa là đồng bằng sông Cửu Long xưa nay.
Với Cholimex, thương nhân Quận 5 bắt đầu có đất dụng võ, do bề dày kinh nghiệm và quan hệ với thương trường nước ngoài, nhiều mặt hàng nông – thủy sản được sơ chế, xuất khẩu, nhiều quan hệ mới được thiết lập với các địa phương có nguồn hàng để thu mua, hoặc đầu tư hợp tác sản xuất nguyên liệu, đưa về thành phố chế biến. Hàng hóa ngày một dồi dào. Chính vào lúc này – giữa thập niên 80 thế kỷ trước, những chai tương ớt, tương cà đầu tiên mang thương hiệu Cholimex được đóng thùng, xuống tàu xuất sang Hongkong, Singapore, Đài Loan… Khách hàng nước ngoài ban đầu đặt mua không phải là người xa lạ gì…, vì trong số đó, không ít người vốn là người Hoa ở Chợ Lớn trước 1975. Còn người bán, tất nhiên là Công ty Cholimex, nhưng quy trình sản xuất vốn được cố vấn kỹ thuật của những bậc thầy về tương cà, tương ớt lừng danh một thời trước đây, đầy uy tín trong giới chế biến thực phẩm.
Buổi đầu, “lò” tương cà, tương ớt Cholimex nằm trong một con hẻm thông ra ngã sáu Nguyễn Tri Phương, nay thuộc Phường 9, là một phân xưởng nhỏ. Các loại nguyên liệu như: cà chua, ớt, tỏi,… thu mua về được sơ chế, làm sạch tỉ mỉ trước khi phối trộn theo một quy trình vệ sinh nghiêm ngặt. Vì vậy, máy móc thiết bị dẫu còn khá thô sơ, nhưng vẫn cho ra những lọ tương cà, tương ớt đảm bảo vệ sinh và chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để vượt qua rào cản khó khăn của các nước nhập khẩu.
Từ bước đi đầu tiên này, đến nay đã hơn 30 năm, mặt hàng bình dị tương cà, tương ớt trở thành sản phẩm chủ lực giữ vững thương hiệu Cholimex cả trong lẫn ngoài nước, vượt qua bao thay đổi biển dâu trong giai đoạn kinh tế nước nhà từ giả chế độ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường, vươn lên hội nhập với trào lưu toàn cầu hóa.
Riêng ở thị trường trong nước, hiện tương cà, tương ớt Cholimex đã chiếm lĩnh gần 40% thị phần, xếp hàng thứ 2, chỉ đứng sau tập đoàn Masan, kế đến mới tới các thương hiệu Trung Thành, Nam Dương. Các chai tương ớt,, tương cà nhỏ bé đang đem lại doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho Cholimex Foods – một công ty con của Cholimex. “Lò” sản xuất ban đầu trong hẻm, nay đã là một nhà máy hiện đại tọa lạc trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc – Bình Chánh, khang trang và bề thế.
Có thể thấy được nhiều bài học thực tế về xây dựng và phát triển thương hiệu, trong hành trình hơn 30 năm khai sinh và trưởng thành của sản phẩm tương cà, tương ớt Cholimex. Trước tiên, là chọn lựa sản phẩm dựa trên thế mạnh về kinh nghiệm và quan hệ khách hàng. Kế đến là sản phẩm tiêu dùng phổ cập, đặc biệt quen thuộc với mọi lứa tuổi, mọi quốc gia. Thứ ba là phù hợp với thời đại, cuộc sống vội vã và tốc độ đô thị hóa cao, mọc ra nhiều tiệm bán thức ăn nhanh, song hành với nhu cầu lớn về tương cà, tương ớt ăn kèm. Cuối cùng, là nỗ lực không mệt mõi giữ vững chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, kiên trì nguyên tắc luôn sản xuất thực phẩm an toàn, tuyệt đối không dùng các loại phụ gia độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thử hình dung, có tới 18 loại nguyên liệu được phối chế để tạo ra tương ớt, và không hiểu người ta đã thêm bớt gì để khi sản xuất, rồi bán ra thị trường những bình tương ớt loại 5 lít với giá chỉ khoảng 60.000 đồng/bình, tính ra 12.000 đồng/lít, và nhiều quán ăn đường phố rất “ưa” xài loại này. Trong lúc đó, để làm ra một lít tương ớt đúng chuẩn, cần dùng 200gr tinh bột bắp biến tính. Giá nhập khẩu tinh bột bắp biến tính khoảng trên 70.000 đồng/kg – nguồn xuất xứ từ châu Âu. Vậy, 200gr là 14.000 đồng, chi phí cho riêng nguyên liệu này. Hơn chục loại nguyên liệu khác nữa là bao nhiêu? Kết luận: không thể hiểu tương ớt giá 12.000 đồng/lít được làm bằng những gì!?
Cạnh tranh khốc liệt. Nhưng tương cà, tương ớt Cholimex đã không những đứng vững mà còn phát triển mạnh, có mặt trong hầu khắp các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm lẫn các chợ truyền thống. Trong một số quán ăn, còn bày cả kệ đựng muỗng, đũa và hộp đựng gia vị quảng bá cho thương hiệu Cholimex, tất nhiên có kèm theo hai chai tương cà, tương ớt để khách sử dụng khi ăn.
Độc đáo hơn, và cũng thật thú vị là cách đây vài năm, tập đoàn Masan đã nỗ lực thâu tóm cổ phần Cholimex, nhằm mục tiêu chiếm lĩnh thị phần tương cà, tương ớt do công ty con Cholimex Foods nắm giữ. Điều này xưa nay hiếm, khi một “đại gia” ngành thực phẩm có doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng một năm phải tìm phương kế thôn tính một thương hiệu ở cấp quận, huyện xuất thân. Kẻ nắm giữ vị trí số một về thị phần tấn công kẻ số hai! Chin Su mơ giấc mộng thống sóai thương trường bằng tiền mua cổ phần Cholimex. Kết cục khi ấy: mua được hơn 20% cổ phần, nhưng bước chân của đại diện tập đoàn Masan bị chặn lại ở ngoài Hội đồng quản trị Cholimex Foods, do sự hợp sức của những cổ đông khác. Mục tiêu thôn tính coi như chưa đạt.
Nhưng, chính những diễn biến này càng khắc họa rõ hơn sự thành công của những chai tương cà, tương ớt mang thương hiệu Cholimex – sau chặng hành trình dài 30 năm qua.