Trong cộng đồng người Hoa ở Quận 5, có một câu thành ngữ thường xuyên được nhắc để nhớ, như một câu kinh nhật tụng: “Phi thương bất phú”. Quá khứ Chợ Lớn với những tấm gương siêu giàu có như chú Hỏa, Quách Đàm… đi lên từ việc mua bán ve chai, đồng nát được thêu dệt thêm thành những huyền thoại có thật, rất có sức thuyết phục mọi người.
Cũng vì vậy, khi nói về nghề truyền thống, không thể không nhắc tới nghề thương mại, vốn dĩ gắn liền với người dân Quận 5. Chợ Lớn từ thuở tổ tiên sang Việt Nam, lập làng Minh Hương, sinh cơ lập nghiệp, nối tiếp truyền đời tới nay, hòa nhập tốt đẹp trong đời sống và trở thành một bộ phận của cộng đồng cư dân Việt.
Ngược về quá khứ, thời Pháp thuộc, nghề thương mại đã bước vào thời kỳ cực thịnh của Chợ Lớn. Người Hoa gần như nắm trọn hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp, vận chuyển hàng hóa. Quy mô hoạt động kinh tế Chợ Lớn ngày ấy vươn tầm châu Á, sánh ngang Hongkong và Thượng Hải, Singapore hãy còn lẹt đẹt xa phía sau. Thương cảng chính là ở ven sông Sài Gòn, nhưng hàng hóa ra vào đều hướng về kênh Tàu Hủ, với hệ thống cảng nhỏ và kho bãi dày đặc của thương nhân người Hoa. Đó cũng là thời của các ông chủ như chú Hỏa, Quách Đàm… đã làm nên cơ nghiệp.
Tiếp đến là thế hệ các tỷ phú người Hoa trước năm 1975, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là Lý Long Thân và Trần Thành. Hai người này có chung một điểm xuất phát: bỏ xứ ra đi, khi đất nước Trung Hoa nhiều loạn lạc. Cùng một điểm đến: Sài Gòn – Việt Nam. Cả hai còn thêm hai điểm giống nhau nữa: đều còn trẻ và đi làm thuê cho chủ người Hoa Chợ Lớn để kiếm sống.
Trần Thành ban đầu không có việc làm, ai thuê gì làm nấy, sống đúng cảnh đời “tha phương cầu thực, nữa đói bữa no”, cho đến khi xin được việc làm súc rửa các thùng chứa xác bã đậu từ một xưởng ép dầu đậu phọng, đậu nành. Trần Thành chăm chỉ làm việc, kỹ lưỡng và không kể giờ giấc, bất kể luôn ngày nghỉ, hễ chủ kêu việc gì cũng lăn xã vào làm, làm xong đâu vào đó mới thôi! Chủ xưởng vì vậy tin cậy, cho đi thu mua nguyên liệu ở các vùng nông thôn. Khôn khéo giữ chữ tín với nông dân lẫn hết lòng trung thực với chủ, Trần Thàn càng được chủ yêu mến, cất nhắc dần lên làm quản lý toàn bộ hoạt động thu mua. Chính Trần Thành mò mẫm sang tận Campuchia, tổ chức nơi này thành vùng nguyên liệu lớn nhất của xưởng và cung ứng ổn định, chấm dứt tình trạng nguyên liệu khi thiếu khi thừa. Công lao được tưởng thưởng hậu hỉ, Trần Thành bắt đầu có nhiều tiền, lại được đi đây đi đó, mở rộng tầm nhìn, cứ ngỡ mình được sống trong mơ…
Chẳng ai ngờ rằng ông chủ còn dành cho Trần Thành một giấc mơ khác. Một hôm, ông bảo anh thanh niên Trần Thành ra riêng mở xưởng, ông sẽ giúp vốn liếng, lẫn việc độc quyền cung cấp nguyên liệu cho xưởng của ông dài dài. Chỉ vì mến tài, nên ông biệt đãi có cơ hội dựng nghiệp.
Trần Thành hăm hở lao vào công việc. Chỉ sau vài năm, ông thành nhà cung cấp hạt có dầu cho hầu hết các hãng xưởng ở Việt Nam, có sức chi phối tới tận các vùng nguyên liệu. Ông trả hết vốn vay của chủ cũ, đồng thời đầu tư thêm vào các hoạt động kinh doanh khác. Ông cất công sang tận Đài Loan, Singapore, Nhật Bản… để tìm hiểu thị trường, học hỏi thêm về các hệ thống công nghệ mới. Năm 1960, nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố - nơi đầu tiên của nước ta sản xuất bột ngọt – ra đời, với hệ thống sản xuất hiện đại hàng đầu châu Á do Nhật Bản trang bị. Chất lượng tốt, giá rẻ hơn hàng ngoại, bột ngọt Vị Hương Tố được tiêu thụ mạnh, Trần Thành nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm: mì gói, nước tương, mì chay… Tất cả đều bán chạy. Trần Thành nhảy lên hàng tỷ phú, đồng thời được đồng hương tín nhiệm, cử làm Ban trưởng Triều Châu lúc vừa 40 tuổi.
So với Trần Thành, con đường tiến thân của Lý Long Thân bằng phẳng hơn. Vừa chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, anh ta hỏi thăm và tìm đến ông Ban trưởng Phúc Kiến đồng hương, xin giúp đỡ việc làm để sống. Lui tới vài lần, thấy chàng trai trẻ dễ mến, Bang trưởng bèn giới thiệu làm ở tiệm vàng Kim Thành - nổi tiếng nhất thời bấy giờ với sản phẩm vàng lá hiệu trái núi. Nhờ hoạt bát, lanh lợi và nhìn khá bảnh trai, Lý Long Thân được cho phụ giao dịch mua bán. Từ đây, Thân có cơ hội tiếp xúc giới chủ, lui tới và giúp họ giao dịch, vừa kiếm thêm tiền, vừa tạo mối quan hệ. Chỉ sau năm năm, ông đã có vốn góp vào Kim Thành.
Khi tích lũy vốn đã kha khá, Lý Long Thân nhảy vào kinh doanh địa ốc, gặp lúc Sài Gòn tăng tốc phát triển nên bốc lên như diều gặp gió. Hàng loạt hoạt động mới được mở ra sau đó: kinh doanh xuất nhập khẩu, góp vốn ngân hàng và các thương cuộc, lập hãng xe đò Nghĩa Hiệp độc quyền chuyên chở tuyến Sài Gòn – Vũng Tàu, mở nhà máy dệt Vinatexeo chỗ chân cầu Tham Lương (Dệt Thắng Lợi ngày nay), mở thêm nhà máy luyện cán thép Vicasa ở khu công nghiệp Biên Hòa, nhập khẩu ào ạt các loại nông – ngư từ Nhật Bản và bán ra khắp các tỉnh, nhờ dự báo chính xác nhu cầu nông dân sau chính sách Người cày có ruộng được ban hành.
Sự giàu có của Lý Long Thân gắn liền với nhiều giai thoại, được truyền miệng trong giới thương nhân Chợ Lớn. Chẳng hạn, Lý chính là ông chủ của bữa tiệc “Nhất dạ đế vương” tổ chức ở nhà hàng Đại La Thiên đãi tướng Bình Xuyên Bảy Viễn. Sáng hôm sau, trước mặt Bảy Viễn, Lý Long Thân ký tờ “séc” 50.000 đồng cho cô ca sĩ nổi tiếng đài Loan đã phục vụ “đế vương” để tưởng thưởng. (Nếu biết khi ấy, gạo có giá 5 cắc 1 giạ, sẽ thấy số tiền ghi trên “séc” khủng cỡ nào…!)
Dẫu sao, cả hai người – Trần Thành và Lý Long Thân đều thành công trên đường thương mại, là một hiện thực tô đậm quan niệm “Phi thương bất phú” phổ biến trong cộng đồng người Hoa. Căn nhà số 188 Hải Thượng Lãn Ông hiện nay trước đây vốn là trụ sở của công ty bột ngọt Vị Hương Tố ngày xưa, nay đã đổi chủ. Sau năm 1975, Lý Long Thân ra nước ngoài, Trần Thành ở lại, và ngày ngày người ta vẫn thấy ông đạp xe vào Nhà Văn hóa Quận 5 chơi cầu lông cùng bạn hữu…
Lịch sử sang trang, nhưng nghề thương mại vẫn là một nghề truyền thống được ưa thích với nhiều đồng bào người Hoa ở Quận 5.