Bệnh heo gạo ở người xảy ra do ăn uống không bảo đảm vệ sinh và không bảo đảm an toàn thực phẩm như ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ, đặc biệt là sử dụng thịt heo bị nhiễm sán heo. Trong năm 2018, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh phát hiện hơn 100 người bị nhiễm sán lợn ở Bình Phước và gần dây nhất là vụ nhiễm sán heo xảy ra ở trên người tại tỉnh Bắc Ninh.
Để phòng tránh hiệu quả bệnh heo gạo lây sang người, người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần hiểu rõ và đúng để phòng tránh bệnh cho con em mình.
Bệnh heo gạo có tên khoa học Cysticercus cellulosae là bệnh gây ra bởi ấu trùng của sán dây heo, có tên khoa học Taenia solium. Thông thường loại sán này trưởng thành, gây bệnh cho người luôn ký sinh tại ruột non của cơ thể người. Nhưng do quá trình phát triển trong cơ thể người đôi khi diễn ra không thành một chu kỳ hoàn chỉnh (trứng sán => ấu trùng => sán dây), nên có hiện tượng trứng sán => ấu trùng, một số ấu trùng này di chuyển lạc chỗ, gây bệnh ở các cơ quan như não, cơ, mô dưới da,... (không phải trong lòng ruột non), đồng thời ấu trùng này phát triển đi vào ngõ cụt và không thể thành sán trưởng thành.
1. Cơ chế gây bệnh
Heo nhiễm sán gạo: Do heo ăn, uống phải trứng sán từ môi trường bị ô nhiễm bởi phân của người bị bệnh sán lợn. Khi đến dạ dày, trứng sán tiếp tục phát triển, bám chặt vào thành ruột non và gây viêm niêm mạc ruột. Sau đó, chúng thâm nhập vào đường máu và di chuyển đến mọi nơi trên cơ thể heo. Những nơi mà chúng thích ứng để tồn tại là các cơ vân như: cơ lưỡi, cơ cổ, cơ mông, cơ liên sườn, tim, não, mắt, gan, lách, thận…Ở đó, chúng phát triển thành ấu trùng (Cysticercus cellulosae).
Người nhiễm sán gạo heo bằng 2 cách:
- Thứ nhất là người ăn phải thịt heo có ấu trùng (Cysticercus cellulosae) không nấu chín đến dạ dày ruột dưới tác dụng của các men tiêu hóa đầu sán được phóng thích, lộn đầu ra ngoài bám vào niêm mạc ruột và phát triển thành sán trưởng thành sau 8-10 tuần.
- Thứ hai là vô tình nuốt trứng sán có trong thức ăn, rau sống, nước uống hay tay có nhiễm trứng sán đưa vào miệng đến dạ dày ruột, phôi được phóng thích, chui qua niêm mạc vào vách ruột, theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và ký sinh tại đây. Các vị trí ký sinh có thể là mắt, não, mô dưới da.
2. Cách phòng tránh
Để phòng bệnh giun sán nói chung và bệnh heo gạo nói riêng cần:
- Đảm bảo ăn, uống hợp vệ sinh.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
- Không ăn thịt heo bị bệnh gạo.
- Không nên ăn tiết canh, sản phẩm thịt heo chưa được nấu chín kỹ.
- Cần rửa sạch các loại rau ăn sống
- Không mua và sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, điều kiện bày bán không bảo đảm vệ sinh.
- Quản lý và xử lý tốt nguồn chất thải (phân) của người và gia súc.
- Khuyến khích lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thịt heo đã được các cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận đạt thực phẩm an toàn như: VietGAP, GloabalGAP, HACCP, thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn.... (đã được kiểm soát từ khâu nuôi, giết mổ và kinh doanh) hoặc sản phẩm có tem truy xuất (để biết nguồn gốc heo từ trại an toàn với dịch bệnh hay không).