Suốt tuần lễ vừa qua, dư luận nóng lên về sự kiện ngày 02/4/2019, hơn 18.000 chai tương ớt Chin Su xuất xứ từ Việt Nam bị tịch thu tại thành phố Osaka – Nhật Bản vì có chứa chất Axit Benzonic – một chất cấm theo quy định của đất nước này. Hai ngày sau, một đại diện của tập đoàn Masan, sở hữu thương hiệu Chin Su tuyên bố: Lô hàng này chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam, lỗi là do các nhà nhập khẩu của Nhật!
Chính lời tuyên bố này là một động tác “đổ dầu vào lửa” khi muốn thoái thác trách nhiệm về lô hàng bị tịch thu, tình cờ lại trở thành một lời thú nhận: cái người Nhật không dám ăn là để dành cho người Việt ăn! Sự chẳng đặng đừng, dân tình xôn xao, báo chí vào cuộc bình luận tá lả, cả trên mạng lẫn trên báo in.
Thật ra, sự tình cũng không đến nỗi trầm trọng như vậy. Đây là một hóa chất thực phẩm được phép sử dụng tại nước ta và nhiều nước khác. Vấn đề là liều lượng sử dụng phải ở mức quy định.
THỬ NHÌN LẠI MỘT QUÁ TRÌNH “GIEO GIÓ”…
Masan được thành lập chưa tới 20 năm, khởi đi bằng mì ăn liền và nước tương, với nhà máy đặt tại Bình Dương, vừa tiêu thụ nội địa, vừa hướng tới thị trường các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu. Việc sản xuất trôi chảy bình thường, bởi các sản phẩm của Masan cũng không có gì đặc sắc hơn nhiều nhà sản xuất khác như Vifon, Miliket, Colusa, Nam Dương…
Thế nhưng, Masan sau đó đã có những bước phát triển nhảy vọt. Mỗi bước nhảy, gắn liền với một sự kiện gây hoang mang, tạo sợ hãi cho người tiêu dùng. Điều đầu tiên là cú sốc nước tương có chứa chất 3-MCPD có thể gây ung thư, được loan tin rộng rãi trên báo, đài. Nhà ai cũng có chai nước tương, sự hoang mang lan tràn… Nước tương Tam Thái Tử của Masan ngay lập tức xuất hiện như vị cứu tinh với quảng cáo “Không có 3-MCPD”. Người ta đổ xô nhau mua. Hàng quán cũng đua nhau để chai Tam Thái Tử chểm chệ trên bàn ăn. Masan thắng lớn! Hạ gục tất cả đối thủ khác chỉ bằng một chiêu thức: đánh vào nỗi sợ hải bệnh tật của người Việt, trong thời buổi thực phẩm bẩn tràn lan, ngộ độc thực phẩm là chuyện thường ngày.
“Chiêu thức” 3-MCPD giúp doanh thu tăng gần 3 lần, đưa Masan chiếm lĩnh thị phần nước tương. Năm 2017: doanh thu 660 tỷ. Năm 2008: doanh thu 1.992 tỷ. Gần như hiệu quả tức thì. Thế là Masan tiếp tục với nước mắm: có cặn và không có cặn! Nước mắm truyền thống do cá và muối phân hủy tự nhiên trong quá trình ủ chượp, nên tồn trữ lâu thường có cặn – dù không độc hại gì. Nước mắm Masan là thứ nước muối pha chế cùng hàng loạt hóa chất bảo quản, tạo mùi nên trong veo, không cặn. Mượn danh một số nhà khoa học và huy động truyền thông bẩn, Masan tấn công. Người tiêu dùng đâm ra nghi ngờ nước mắm có cặn, đành chuyển qua ăn Nam Ngư, Chin Su của Masan, mở ra con đường thênh thang cho Masan tiến lên ngôi vị “xếp sòng” thị trường nước chấm ở nước ta.
“Xếp sòng” thì được gì? Năm 2019, ông chủ Masan được xếp vào hàng tỷ phú đô la. Khúc ca khải hoàn được đánh dấu bằng cuộc tấn công vào nước mắm truyền thống, thông qua việc tác động ngầm vào hệ thống chính sách tiêu chuẩn chất lượng, nhằm triệt hạ nghề nước mắm cổ truyền – vốn gắn liền với niềm tự hào văn hóa Việt từ ngàn đời nay. Chiêu thức mới này vô cùng hiểm ác. Một mặt, các lò nước mắm “hết đỡ”, khi quy định thùng chượp cá là inox – chứ không phải bằng gỗ như từ xưa tới giờ. Hai là không được có histamin trong nước mắm – là thứ bắt buộc phải có qua quá trình phân hủy của muối và cá!
Từ Nam ra Bắc, các nhà sản xuất nước mắm phản ứng dữ dội. Phía cơ quan soạn thảo chính sách rơi vào cảnh bối rối. Chỉ “ngư ông Masan” ngồi rung đùi chờ hưởng lợi. Kế hoạch tài chính năm 2019 vừa công bố: kế hoạch lợi nhuận dự kiến 5.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2018. Có vẻ như lòng tham thực sự không có đáy. Phương hướng phát triển của tập đoàn này đến năm 2022 phác họa viễn cảnh hoành tráng: doanh thu hàng năm đạt 5 tỷ đô la, lợi nhuận từ 12 – 15% doanh thu. Ở đây, cần “phụ chú” thêm cho dễ hiểu: mục tiêu lợi nhuận như thế là từ 600 – 750 triệu đô la Mỹ hàng năm, tương đương từ 13.000 – 16.000 tỷ đồng. Nói nôm na, mỗi tháng làm ra trên 1.000 tỷ - tiền lời thu về.
Ngoảnh nhìn lại, trong một thời gian ngắn, Masan đã vươn lên thành một đế chế về nước chấm và mì ăn liền, tiền vô như nước, là một thành công lớn không ai phủ nhận được. Có điều, phú gia cũng có ba, bảy đường. Người thì được thiên hạ tôn xưng là hào phú. Người khác được gọi một cách miệt thị là trọc phú – giàu nhờ… chơi dơ!
(Còn tiếp)