SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
8
3
2
0
5
Tin tức sự kiện 06 Tháng Năm 2019 9:15:00 SA

Tháng tư nóng!

 

Tháng tư năm nay được ghi nhận đạt kỷ lục về nắng nóng. Đi ngoài đường buổi trưa, ngậm ngùi nhớ câu “Nắng như đổ lửa trên đầu”! Quận 5 may mắn vẫn còn giữ được nhiều đoạn đường có hai hàng cây sao dầu cao vút, giúp che mát mặt đường, tạo bóng râm trên vỉa hè, góp phần giữ gìn sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, ngoài nắng nóng, còn nhiều thứ khác cũng nóng không kém trong dư luận xã hội, do tăng giá: xăng dầu, điện, học phí, y tế phí… Đặc biệt, hai ngành độc quyền nhà nước là điện và xăng dầu, vẫn theo điệp khúc quen thuộc là “buộc phải tăng” do chi phí đầu vào cao, dẫu tăng lên nhưng vẫn chưa tiệm cận giá thị trường thế giới và khu vực… Người dân có ấm ức cũng đành chịu, với kiểu so sánh bất chấp thu nhập thấp của đa số người lao động như vậy.

Các nhà máy đều sản xuất từ nguồn năng lượng điện. Xe cộ, tàu thuyền đều phải đổ xăng, dầu mới nổ máy di chuyển được, chở theo người, hàng hóa ngược xuôi các vùng miền. Khi giá điện tăng, giá hàng hóa phải tăng theo. Giá cước vận chuyển tất nhiên cũng tăng theo giá xăng dầu. Vậy là giá hàng hóa cõng luôn cả hai, đang nhích dần lên. Đến giá xe buýt cũng vừa được điều chỉnh tăng, ắt hẳn hiếm có thứ hàng nào giữ được giá cũ.

Mệt mõi với giá, mà thu nhập chỉ có chừng ấy, đang là nỗi lo lây lan trong từng gia đình. Nhưng với các chuyên gia kinh tế, điều đáng sợ hơn nữa vẫn còn ở phía trước: kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, trong hoàn cảnh chi phí sản xuất tăng, hàng hóa Việt làm sao cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực? Một ví dụ gần nhất là ở Quận 5, tại chợ vải Soái Kình Lâm, đường Trần Hưng Đạo B. Vải nhập về từ Trung Quốc, Hàn Quốc đang chiếm thị phần áp đảo, vải Việt chỉ chen vào ở mức độ khiêm tốn. Nói theo ngôn ngữ bình luận bóng đá là lép vế ngay tại sân nhà. Thực tế này có thể thấy rõ hơn khi bước qua chợ Kim Biên. Đồ điện, xe máy, phụ kiện điện thoại… bày bán ngập trời, người mua kẻ bán í a í ới, nhưng hầu hết là hàng Trung Quốc.

Đất nước đứng trước vận hội lớn, với rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đã ký kết, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều kiện bắt buộc là tính cạnh tranh cao về chất lượng, mẫu mã, giá cả của sản phẩm – so với sản phẩm của nhiều nước khác – làm sao phát triển sản xuất để cạnh tranh, khi cả hai ngành nền tảng là điện và xăng dầu bấu víu chặt lợi ích riêng? Cả hai đều kêu khó khăn, nhưng kiểm toán tài chính năm nào cũng báo lãi ba, bảy ngàn tỷ đồng – tương đương vài trăm tỷ mỗi tháng. Doanh nghiệp lẫn người dân kêu than – vì khó khăn thật – chỉ được nhận những lời động viên, cuối cùng vẫn “an tâm” móc túi trả tiền.

Dư luận nóng lên vì vậy.

Có điều, ngay trong những ngày cuối tháng tư này, tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao – do người tiêu dùng bình chọn – vừa khai diễn, như một điểm sáng của nỗ lực vươn lên của nhiều doanh nghiệp. Nhân dịp này, lần đầu tiên, nước mắm truyền thống được vinh danh, với gần 20 gian hàng tập trung các lò nước mắm đến từ Hải Phòng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… Có cả hội thảo chuyên đề thị trường cho nước mắm truyền thống, giới thiệu quy trình sản xuất, các cách pha chế nước mắm theo từng vùng miền. Riêng một số lò nước mắm truyền thống còn được đặc cách miễn phí tham gia hội chợ vì khó khăn tài chính, sau thời gian lao đao từ trò cạnh tranh không sạch sẽ của nước mắm công nghiệp.

Thể hiện sự chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong khó khăn, Ban tổ chức Hội chợ tiếp tục nâng cao uy tín thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đồng thời, ở chiều ngược lại, người lao động của những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ được chăm lo tốt hơn trên bước đường cùng doanh nghiệp trưởng thành, vươn xa trong hành trình hội nhập.

Đây chính là những nỗ lực thích nghi với sự bất cập của giá cả cần được ghi nhận.


Số lượt người xem: 1488    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm