Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Hàng năm được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến 31/5. Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thới kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90 % trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Việt Nam, theo số liệu của bệnh viện Ung bướu trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân chính do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành năm 2012, quy định: Bộ y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về Phòng chống tác hại thuốc lá, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương.