CÔ TIỂU THƯ VÀ GIẤC MƠ NHÀ BÁO, DIỄN VIÊN…
Năm 1996, chính sách đổi mới về kinh tế đất nước đã diễn ra được tròn 10 năm. Cộng đồng doanh nhân Việt gốc Hoa như được cởi trói, mạnh dạn lao vào việc mở mang sản xuất kinh doanh một cách hào hứng. Những người đi tiên phong hưởng ứng chính sách trở thành những người “có gan làm giàu”, trong đó có ông chủ cơ sở nhựa Thành Phát, ba của Pang Mỹ Linh. Ông làm giàu nhờ sản phẩm bán chạy. Thương lái mang hàng của ông bán sang cả Lào và Campuchia.
Pang Mỹ Linh với lớp học
Mỹ Linh là con gái lớn của ông chủ Thành Phát, sinh năm 1980, là chị Hai của một đàn em sáu đứa, bốn gái với hai trai. Tuổi mới lớn nhiều mơ mộng, sống trong sự bảo bọc cưng chiều, gia đình giàu có so với đời sống của nhiều người xung quanh, tương lai với Mỹ Linh là một màu xanh hy vọng. Cô bé mơ giấc mộng trở thành một nhà báo khi nhắm hướng sẽ thi vào khoa Báo chí, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Còn lỡ… rớt, mục tiêu dự phòng là trường Cao đẳng Điện ảnh và Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, coi như “tạm” làm diễn viên cũng được!
Ước mong ấy trở nên xa vời khi đùng một cái, cơ sở Thành Phát phá sản. Mọi thứ có giá trị trong nhà đều phải bán đi để trả nợ. Cô tiểu thư Mỹ Linh như rơi từ trên trời xuống đất. Mọi mơ ước tan vỡ. Nhưng vẫn phải sống và kiếm miếng ăn! Cả nhà sau đó lao vào làm bánh bao, chở đi bỏ mối các nơi. Một trời mộng mơ đã xa… Bây giờ là băm thịt, vò viên nhân bánh, lột vỏ trứng cút, canh lửa hấp bánh, khệ nệ bưng ra chất lên xe máy chở đi giao cho các mối hàng… Thời gian sau, lại “dẹp tiệm” bánh bao, do nợ gối đầu dai dẳng quá nhiều, tiêu tùng hết vốn liếng.
Gia đình với gần chục miệng ăn rơi vào cảnh túng quẩn.
Lúc này, “chị Hai” Mỹ Linh nghỉ học, ghé vai gánh lấy trách nhiệm phụ giúp ba má nuôi bầy em lóc nhóc. Xoay sở mãi, mở ra được tiệm hủ tíu mì gần khu du lịch Đầm Sen, khách quen đông dần, gia đình mới bớt khó khăn.
DUYÊN NGHIỆP CÙNG NGHỀ NAIL:
Tiệm hủ tíu mì đem lại thu nhập đủ nuôi sống gia đình, nhưng với Pang Mỹ Linh, vậy vẫn là chưa đủ. Trong cô nung nấu một khát vọng lớn: gầy dựng lại cơ nghiệp thuở trước, khôi phục lại vị thế của gia đình như thời cơ sở Thành Phát của ba còn ăn nên làm ra. Nhưng bằng cách nào?
Cô may mắn được ông bà người Nhật đưa sang Nhật học nghề Nail và đồng thời học luôn cả cách nhìn thấm đậm chất văn hóa của người Nhật về nghề Nail. Với họ, Nail là cả một nghệ thuật, từ cung cách phục vụ cho tới trình độ mỹ thuật của người thợ. Mỗi bộ móng tay, móng chân sau khi hoàn tất ở tiệm Nail, phải trở thành những tác phẩm hoàn hảo của nghệ thuật tôn vinh cái đẹp trên cơ thể con người. Mỗi khách hàng bước chân ra khỏi tiệm Nail phải có được một nụ cười hài lòng.
Những ngày ở Nhật làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của Mỹ Linh với nghề Nail. Đó không phải đơn thuần là nghề “làm móng tay – móng chân”, xách giỏ lê la từng khu nhà hoặc phố chợ, hay ngồi chờ làm “ké” ở các tiệm uốn tóc. Đó cũng không phải là một nghề hạ cấp như trong suy nghĩ và quan niệm của nhiều người. Cô chú tâm học nghề, với tất cả sự say mê, cùng một quyết tâm sắt đá: theo đuổi tới cùng với nghề để dựng nghiệp!
Tiệm Nail đầu tiên cô cùng 2 người em nữa mở ở quận Phú Nhuận vào năm 2003. Tiệm được đầu tư bài bản. Thợ được tập huấn chu đáo. Cô chủ nhỏ Pang Mỹ Linh và 02 em sau những ngày dài bương chãi nỗ lực, đã đi được bước chân đầu tiên và chính thức vào nghiệp Nail.
Nhưng, ngày vui vốn chóng qua. Những tháng ngày sau khai trương là sự ế ẩm kéo dài, kéo theo sự lỗ lã, tiền vô ít mà ra nhiều. Cảnh đìu hiu vắng khách khiến không ít thợ ngã lòng, ngán ngẫm, nhưng không lay động được ý chí dựng nghiệp của cô chủ nhỏ 23 tuổi. Vừa gồng mình chịu lỗ, cô vừa tìm kiếm cơ hội để vượt lên lúc khó khăn buổi đầu. Đâu phải ế hoài? Cô lạc quan động viên thợ lẫn chính mình và các em.
Cơ hội đã đến thật! Vào đầu năm 2004, Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố tổ chức cuộc thi “Trang trí móng mùa Xuân”. Pang Mỹ Linh đoạt giải nhất. Niềm vui chất ngất. Và, bắt đầu từ đây, tiệm dần đông khách hơn, người đến tiệm học nghề cũng nhiều lên…
Từ cuối thập niên 60 thế kỷ trước, Sài Gòn đã là chiếc nôi khai sinh của nghề Nail ở Việt Nam, dân gian quen gọi là thợ làm móng tay, móng chân. Gần như 100% lao động nghề này là nữ giới, với các đặc trưng cần có là tính tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng… phù hợp với nhu cầu của khách hàng cũng toàn là phụ nữ. Rồi năm tháng trôi qua, cuộc sống phát triển, như nhiều nghề khác, nghề Nail cũng đã tiến hóa lên một tầm mức khác. Không chỉ là làm móng tay, móng chân rồi phết sơn đơn giản như xưa. Nail bao gồm nhiều yếu tố: chăm sóc bàn tay, bàn chân, làm vệ sinh, cắt tỉa, tạo hình trang trí theo ý muốn của khách hàng… với nhiều thứ chất liệu mới, đa dạng, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao.
Hiểu rõ điều này, Pang Mỹ Linh mặc dù tự hào với giải nhất đoạt được ở cuộc thi phụ nữ thành phố, vẫn miệt mài rèn luyện tay nghề, say mê ấp ủ những hoài bảo lớn hơn. Năm sau đó, 2005, cô lọt vào top 10 ở giải Nail Design châu Á, tổ chức tại Osaha, Nhật Bản. Năm 2008, tại cuộc thi Nail châu Á tổ chức ở Malaysia, Pang Mỹ Linh giành giải nhất, chính thức ghi tên mình vào bảng vàng tên tuổi những “cao thủ” nghề Nail ở tầm mức quốc tế.
DANH TIẾNG THƯƠNG HIỆU NGHỀ NAIL KELLY PANG:
Cả 4 đứa em gái trong nhà đều được “chị Hai” Mỹ Linh hướng theo nghề Nail – vừa có nghề, vừa phụ chị một tay. Có năng khiếu tốt, cô em út Pang Mỹ Nguyên sau đó cũng giành giải nhất Nail châu Á, hiện là Giám đốc mỹ thuật của hệ thống dạy nghề Kelly Pang gồm ba trung tâm tại thành phố, thường xuyên có số lượng học viên khoảng 500 người theo học.
Lễ tốt nghiệp của học viên theo học tại Trung tâm Kelly Pang
Trong cơn lốc phát triển và toàn cầu hóa, một trong những điểm tựa để thực thi việc bình đẳng giới với phụ nữ chính là có trong tay một nghề nghiệp kiếm sống, không dựa dẫm, không phụ thuộc, tự tin vững bước trên đường đời. Đa phần dân nghèo thành thị và chị em phụ nữ nông thôn ít học, ít tiền thường không biết xoay sở ra sao khi trưởng thành, trước những thử thách nghiệt ngã trong cuộc sống hàng ngày. Không ít trong số này đã rơi vào những bẫy rập tinh vi của tệ nạn xã hội, vô cùng tội nghiệp và đáng thương, đáng tiếc.
Những năm gần đây, nghề Nail phát triển theo trào lưu chung của thế giới, phụ nữ có thêm một cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn, khẳng định giá trị bản thân, không cần sống dựa dẫm vào người đàn ông theo tập quán xưa của người Á Đông. Thu nhập bình quân của một thợ Nail ở thành phố không dưới chục triệu đồng, làm việc nhẹ nhàng trong phòng máy lạnh, kể cũng hấp dẫn.
Đào tạo nghề Nail ở các trung tâm Kelly Pang hiện đã tiếp cận với trình độ chuyên môn ở đẳng cấp thế giới, do vậy, chứng chỉ nghề được cấp tại đây được thừa nhận rộng rãi tại nhiều tiểu bang của Mỹ, một số nước châu Âu lẫn châu Á. Nhiều phụ nữ chuẩn bị ra nước ngoài sinh sống đã tìm tới Kelly Pang học nghề. Thậm chí nhiều Việt Kiều từ nước ngoài về, cũng tranh thủ thời gian học thêm ở Kelly Pang, trang bị cho mình một khả năng nghề nghiệp phòng khi hoàn cảnh sống thay đổi, nơi xứ lạ quê người.
Tưởng cũng cần biết thêm là nghề Nail khá phổ biến ở những nước phát triển, do đời sống vật chất cao, nhu cầu lớn. Đơn cử như nước Mỹ, có hơn 11.000 tiệm Nail. Có cả một tỷ phú đô la người Việt sở hữu chuỗi 1.000 tiệm Nails rãi khắp đất nước này. Hay ở châu Âu, hầu như nước nào cũng có tiệm Nail. Nhiều thợ Nail người Việt từ khu vực các nước Đông Âu vẫn tìm sang phía Tây Âu, Bắc Âu hành nghề, vì thu nhập cao hơn.
Nhìn trên bình diện hội nhập và toàn cầu hóa theo xu hướng chung, việc dạy và học nghề Nail nên được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh hơn, phổ cập hơn, hướng tới được thừa nhận là một nghề nghiệp chính thức trong hệ thống ngành nghề theo pháp luật về lao động hiện hành. Như vậy chính là tích cực góp phần thực hiện bình đẳng giới, thêm cơ hội cho lao động nữ.
Kelly Pang sau chặng đường dài 16 năm, đang thể hiện là một thương hiệu đáng tin cậy. Từ đây, đã có vài chục ngàn lao động nữ được đào tạo thành nghề - kể cả tiếng Anh thông dụng khi hành nghề. Nhiều thế hệ học trò của lò đào tạo Kelly Pang đang ở khắp nơi trên thế giới, tự tin kiếm sống nơi xứ người. Không chỉ vậy, năm 2018, Kelly Pang còn nhận Bằng khen của Chính phủ về cả hai hoạt động: dạy nghề và tham gia hoạt động từ thiện xã hội – một ghi nhận xứng đáng cho nhiều nỗ lực không mệt mõi của Kelly Pang hướng về phục vụ cộng đồng.
Dựng nghiệp thành công, nhưng không quên đóng góp xây dựng xã hội mình đang sống. Đó cũng là tâm nguyện của Pang Mỹ Linh, cô gái người Việt gốc Hoa thuộc thế hệ 8X ở Quận 5.