SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
9
4
2
0
6
Tin tức sự kiện 29 Tháng Bảy 2019 9:50:00 SA

Thực tiễn cao cả 90 năm tổ chức Công đoàn Việt Nam

 

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam chúng ta tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khai sáng Công đoàn cách mạng Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Chí Minh là tấm gương sáng tích lọc tinh hoa của dân tộc và là một nhà văn hoá lớn. “Một điểm nổi bật trong đạo đức của Hồ Chí Minh là lòng yêu nước. Nhưng ở đây không phải là lòng thương người siêu giai cấp, trừu tượng, mà là tình thương yêu giai cấp đối với công nhân, tình yêu thương rộng lớn đối với nhân dân lao động, đối với những người cùng khổ” (1).

Sự nghiệp cách mạng của Người bắt đầu từ đời sống cần lao, vì thế đối với giai cấp công nhân Người đã giành một sự quan tâm sâu sắc, một tình cảm yêu thương đặc biệt vì chính bản thân Người, suốt cả tuổi thanh xuân, đã trải qua cuộc đời người thợ, đã đau đến tận cùng nỗi đau của người cần lao trên toàn trái đất. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp công nhân, cần phải có một tổ chức, đó là tổ chức Công Hội (nay là tổ chức Công đoàn).

Trong tác phẩm Đương Cách mệnh Bác đã nhiều đến tính chất, nhiệm vụ của tổ chức Công hội và nhấn mạnh “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. (2). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu rõ, mỗi công nhân chỉ được vào một hội hoặc là sản nghiệp hoặc hội nghề nghiệp “đoàn thể thì có phép vào nhiều Tổng công hội mà từng người thì chỉ được vào một công hội mà thôi. Nếu giới hạn này không nghiêm thì sau hay bối rối’’(3).   Với lời lẽ giãn dị, định nghĩa nói trên đã khái quát rất sâu sắc toàn bộ chức năng của công đoàn theo kiểu Việt Nam, trong đó người đề cập đến chức năng, nhiệm vụ tập hợp, giáo dục chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của công đoàn đối với dân tộc, đối với thế giới. Cũng trong định nghĩa đó toát lên những tính chất của công đoàn: tính quần chúng, tính giai cấp, tính độc lập về tổ chức. Những tư tưởng của Người được quán xuyến trong toàn bộ hoạt động của công đoàn Việt Nam từ đó, kể cả sau khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền.

Những tư tưởng lớn của Người về tổ chức công đoàn cách mạng tập trung ở những vấn đề như:

Công đoàn phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản; công đoàn phải tập hợp đoàn kết, dẫn dắt công nhân đấu tranh từ thấp đến cao; tiến lên lật đổ ách thống trị của bọn tư bản, dành chính quyền về tay nhân dân . Cách tổ chức công đoàn phải hướng tối sự đoàn kết giai cấp chứ không phải chỉ dừng lại ở sự tập hợp, đoàn kết từng nghề . Phải tuyền truyền và thực hiện đoàn kết Quốc tế, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế chủ nghĩa vô sản trong sáng .

Khi giai cấp công nhân Việt Nam đã dành được chính quyền, trở thành giai cấp lãnh đạo Nhà nước, trong nhiều dịp đến thăm các xí nghiệp, gặp gỡ công nhân, cán bộ công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những quan điểm lớn về hoạt động Công đoàn trong điều kiện mới, hoàn toàn khác trước. Bác nói: “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc… Mục đích công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung(4). “Công đoàn là trường học tiến lển CNXH, tiến lên CNCS. Công đoàn sẽ giáo dục cho công nhân nam nữ biết quản lý nhà máy của mình” (5). Người còn dạy: “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”(5). Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung là khát vọng luôn canh cánh bên Người.

Trước khi Bác đi xa, ngày 18/7/1969 Bác đã gặp các cán bộ tổng Công đoàn và căn dặn: “ Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổi chức, giáo dục quần chúng công nhân , viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH… Khác hẳn với trước kia, công nhân bây giờ là người chủ đất nước, chủ xã hội, chủ cuộc sống… muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt , giá thành hạ … Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân phải có quyền thực sự trong xí nghiệp … Công đoàn phải vận động quần chúng lao động tham gia ngày càng rộng rãi vào toàn bộ sự nghiệp xây dựng nền kinh tế quốc dân, vào các kế hoạch kinh tế sản xuất , phân phối…”(6) .

Qua những lời căn dặn của Bác với công nhân và tổ chức Công đoàn , chúng ta thấy những tư tưởng, quan điểm lớn của Bác về Công đoàn trong điều kiện giai cấp công nhân đã nắm chính quyền là:

Công đoàn phải tuyên truyền, giáo dục đường lối , chính sách của Đảng về xây dựng CNXH ; giáo dục ý thức làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ xí nghiệp cho CNVC, cho quần chúng lao động.

Công đoàn phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao không ngừng trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật , quản lý kinh tế cho CNLĐ, tổ chức họ tham gia quản lý xí nghiệp cho CNVC, cho quần chúng lao động.

Công đoàn phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao không ngừng trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật, quản lý kinh tế cho công nhân lao động, thu hút tổ chức họ tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế và bảo vệ quyền làm chủ của người lao động.

Ba chức năng đó của Công đoàn dưới chế độ XHCN có quan hệ biện chứng hữu cơ của nhau; cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động, để thực hiện ba chức năng đó sao cho hiệu quả thực sự, tránh bệnh thành tích.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam luôn luôn là một tổ chức công đoàn cách mạng, gắn liền lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích toàn dân tộc, đồng hành cùng sự phát triển đất nước qua các thời kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ giai cấp. Mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam đều phục vụ lợi ích của công nhân, lao động, của đất nước và xã hội. Đặc biệt, sau 5 năm (2013 - 2018) thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, các cấp công đoàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Hoạt động công đoàn từng bước tập trung hướng về cơ sở. Tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện tin cậy của người lao động, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động.

Hiện nay, tình hình trong nước và thế giới, nhất là việc nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu phải đổi mới toàn diện và đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo cho người lao động trong thời gian tới cũng như trong nhiệm kỳ mới (2018 – 2023), nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam cũng đã đề ra mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ mới là: “nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp, tập hợp, thu hút đông đảo NLĐ vào tổ chức CĐ Việt Nam; xây dựng CĐ Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (7).

Từ đó, TLĐLĐVN nhấn mạnh đến 3 khâu đột phá: “Trước hết là đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động. Tiếp theo là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất. Cuối cùng là xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới”(8). Trong đó, khâu đột phá thứ nhất được TLĐLĐVN xem là nhiệm vụ cốt lõi nhằm tạo ra sức hút đối với người lao động, người lao động được chăm lo lợi ích chính là “chất kết dính” để họ tự nguyện tham gia và gắn bó với tổ chức công đoàn.

Phấn đấu “đến năm 2023, kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của CĐ ở 100% DN có 25 lao động trở lên. Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức CĐ gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các KCN-KCX. Thu tài chính CĐ đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí CĐ theo quy định của nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Từ 70% trở lên DN có tổ chức CĐ ký kết thỏa ước lao động tập thể…” (9)

Năm 2019, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, cũng là năm kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 (1929-2019), năm đầu tiên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực; năm 2019 cũng là “Năm vì lợi ích đoàn viên Công đoàn” bằng những hoạt động thiết thực để chăm lo lợi ích và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động cần luôn luôn phấn đấu và không ngừng học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (10).

Chú thích:

(1) Trường Chinh - Hồ Chủ tịch, lãnh đạo kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. NXB Sự thật H 1965, tr.57).

(2,3,4,5,6)- Bác Hồ với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam,  NXB, HN, 2003, trang  29,30, 90, 111, 121.

(7,8,9)-Báo Lao Động điện tử: Toàn văn Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Cập nhật ngày 26/09/2018, 17:52 phút.

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị quốc gia, H. 2011, trang 80.


Số lượt người xem: 1091    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm