Ngày cuối tháng 7/2019, nhiều công nhân trên công trường phục hồi một phần kênh Hàng Bàng, trên địa bàn Phường 13, Quận 5 vẫn đang hối hả làm việc – những phần việc cuối cùng để hoàn tất việc mở lại kênh Hàng Bàng – đoạn có chiều dài gần 2 km nối Quận 5 và Quận 6, lâu nay vốn bị san lấp, lấn chiếm sử dụng vì nhiều mục đích.
Chỉ là một dòng kênh, nhưng Hàng Bàng nhắc người ta nhớ về một quá khứ văn minh sông nước của Chợ Lớn “trên bến dưới thuyền”, khi mọi thứ hàng hóa đều được vận chuyển bởi ghe xuống thông thương đến mọi miền, khi sức mạnh của kinh tế Chợ Lớn sánh ngang cùng Hongkong vào thời điểm trăm năm trước, và Singapore ao ước được như Chợ Lớn – trong thân phận một cảng biển trung chuyển trên đường giao thương hàng hải Đông – Tây.
Vào thời ấy, kênh Hàng Bàng được gọi là rạch Bãi Sậy, chạy gần như song song với rạch Chợ Lớn, nhưng nhỏ hơn. Nằm giữa kênh Tàu Hủ và rạch Chợ Lớn, hai tuyến giao thông thủy chính yếu, nên hai bên bờ kênh Hàng Bàng luôn đầy ấp hàng hóa và ghe thương hồ lui tới ngày đêm. Đây cũng là con kênh có địa danh độc đáo của một chiếc cầu, mà tên gọi đậm chất Nam bộ: “Cầu Ba Cẳng”.
Rạch Chợ Lớn xưa khởi đi từ ngã ba giáp kênh Tàu Hủ, chảy vòng vèo thông thương cả vùng Chợ Lớn, nối với rạch Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa – Lò Gốm bằng những chi lưu chằng chịt. Đại phú gia Quách Đàm – người bỏ tiền xây chợ Bình Tây và các dãy phố lầu xung quanh – đã khởi nghiệp thành công từ một căn nhà thuê bên bờ con rạch này, thường gọi là nhà buôn Thông Hiệp. Khi đã giàu sụ, đại phú Quách Đàm vẫn giữ nguyên trụ sở cũ, vẫn thuê, không dời đi đâu khác. Tương truyền rằng, Quách Đàm rất tin vào thuật phong thủy, một danh sư trong phong thủy đã nhận xét rạch Chợ Lớn có hình thể uốn lượn như rồng, với đầu rồng ngay chỗ vị trí nhà buôn Thông Hiệp.
Sau này, người Pháp lấp kênh Chợ Lớn, làm đường giao thông. Đoạn kênh chỗ nhà buôn Thông Hiệp thành đường Hải Thượng Lãn Ông. Rồi kinh tế thế giới đại khủng hoảng năm 1930, việc làm ăn dần sa sút, lụn bại, Quách Đàm vẫn cho rằng do kênh bị lấp, long mạch bị bức tử mà ra. Từ đó, ông không tha thiết việc làm ăn kinh doanh đến tận cuối đời.
Chuyện Quách Đàm với rạch Chợ Lớn đã đi vào truyền kỳ trong dân gian, còn việc đô thị hóa vẫn diễn ra, kết quả trái tim Chợ Lớn là Quận 5 ngày nay chỉ còn độc nhất dòng kênh Tàu Hủ chảy ngang. Việc đào lên và phục hồi kênh Hàng Bàng vì vậy là một tín hiệu đáng vui mừng, khi giữa nhiệt náo đô thị có thêm một dòng kênh cho không gian dịu mát, cho gió lộng đong đưa những hàng cây ven bờ, thị dân có chỗ dạo chơi, vận động, giảm “xì trét”.
Mục tiêu chính của dự án phục hồi kênh Hàng Bàng là góp phần thoát nước, chống ngập trên địa bàn Chợ Lớn, đồng thời cải tạo cảnh quan đô thị, môi trường. Nhưng đó chỉ là phần vật chất hữu hình. Hồi sinh một dòng kênh trong lòng Chợ Lớn còn mang một ý ngĩa văn hóa – lịch sử hết sức đặc biệt, khơi gợi ký ức về một thuở Chợ Lớn thương hồ, đạm chất Nam bộ, luôn có chỗ cho những con người nuôi chí khởi nghiệp, làm giàu. Quách Đàm đi từ gánh ve chai đến chỗ vung tiền xây chợ Bình Tây là một mẫu khởi nghiệp thành công điển hình.
Nhìn ra thế giới, xu hướng sống gắn bó với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phục hồi giữ gìn các yếu tố văn hóa, lịch sử đang ngày càng trở nên phổ biến. Ở nhiều nước phát triển, không ít công trình thủy điện đã được dẹp bỏ, dành chỗ cho việc phục hồi môi trường cảnh quan thiên nhiên. Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã lấp đi nhiều kênh rạch trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị, nay thì đang từng bước… đào lên, phục hồi kênh rạch trong đô thị, bất chấp chi phí thực hiện cao ngút ngàn.
Hàng Bàng hồi sinh chính là bước đi đầu tiên, tiến về một tương lai xa hơn sẽ có thêm nhiều kênh rạch được phục hồi, tái tạo phần nào diện mạo của một Sài Gòn – Chợ Lớn dọc ngang kênh rạch, người dân được sống gần gũi hơn với thiên nhiên, có cây xanh, nước mát giữa phố thị, thay vì chỉ toàn những hình khối bê tông chất chồng ngột ngạt, nóng bức xung quanh.