Nhận thức sâu sắc quy luật ngặt nghèo của sự sống, đoán được thời khắc sẽ phải đi gặp cụ Các – Mác, cụ Lênin và thế giới người hiền, vào tháng 5 năm 1965, khi tròn 75 tuổi, suy ngẫm về hành trình hoạt động các mạng của mình, tình hình thế giới, tình hình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết về tài liệu tuyệt đối bí mật.
Gọi là “tuyệt đối bí mật” ở đây không phải vì nội dung mà vì Bác không muốn để Đảng ta, đồng chí, đồng bào biết sức khỏe của Bác đang dần suy yếu mà sinh lo lắng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ, công việc cách mạng. Tài liệu tuyệt đối bí mật đó chính là Di chúc thiêng liêng của Bác, với ngôn ngữ giản dị, tình cảm nhưng khúc chiết, chặt chẽ về bố cục, văn phong, chứa đựng những căn cốt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ cách đặt vấn đề, sắp đặt nội dung, kết thúc bản di chúc. Chỉ hơn với 1000 từ nhưng Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát nhiều nội dung to lớn, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc, là tài sản vô giá của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta hôm nay và mãi mãi mai sau. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm nhiều giá trị lý luận, thực tiễn cách mạng quý báu, từ vấn đề đối nội, đến công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đến công tác xây dựng đất nước, chăm lo cho đời sống, hạnh phúc của nhân dân.
Những ý chí nung nấu của Bác suốt cuộc đời được thể hiện trong Di chúc, trước lúc đi xa Bác căn dặn lại chính là sự tổng kết thực tiễn, vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, khái quát thành tư tưởng chiến lược đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trước hết nói về Đảng, Bác đã khái quát cho chúng ta phải nhận thức, quán triệt sâu sắc và thực hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc” dĩ bất biến” trong xây dựng Đảng, đó là:
- Phải “đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Đây vừa là một nguyên tắc, vừa là một nét đẹp truyền thống quý báu của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta từ ngàn đời nay, vì vậy bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, dù thuận lợi hay những lúc gặp khó khăn, Đảng ta phải luôn là một Đảng đoàn kết, thống nhất, cả chính trị, tư tưởng, tổ chức, phải luôn tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tôn chỉ mục đích của Đảng, với độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự hưng thịnh, phát triển của đất nước, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, thống nhất là sự sống còn của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nhân tố quyết định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đem đến thành công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải “giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
- Duy trì giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong Di chúc Bác căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. Đây là nguyên tắc cơ bản của Đảng, là mục tiêu, động lực để phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, sức mạnh tổng lực trong Đảng cả tổ chức, ý chí, hành động, sức mạnh của cả dân tộc. Tập trung dân chủ trong Đảng được thể hiện cả tư tưởng, chính trị, tổ chức, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, Đảng phải có đường lối, cương lĩnh chính trị, điều lệ, mục tiêu cách mạng thống nhất để mọi tổ chức đảng, đảng viên tuân thủ và thực hiện. Mỗi đảng viên thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm trong mọi hoạt động của Đảng, thực hành dân chủ, bình đẳng, có chính kiến của mình trong Đảng, khi đã thành chủ trương, nghị quyết thì nhất nhất mọi tư duy, suy nghĩ, lời nói, phát ngôn, hành động phải thống nhất theo đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng từ Trung ương đến chi bộ đều do dân chủ bầu cử lập ra, có thể bị kỷ luật, bị bãi nhiệm bất cứ lúc nào nếu vi phạm kỷ luật, không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ được giao.
- Thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Bác căn dặn: “Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Đây là một nguyên tắc, một quy luật phát triển, quyết định sự sống còn của Đảng, là chìa khóa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là một việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức đảng từ Trung ương đến chi bộ và ngược lại, là công việc của mỗi cán bộ, đảng viên như rửa mặt hằng ngày, nhằm mục tiêu phát huy ưu điểm, khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm,trên cơ sở đó nâng cao năng lực, sức chiến đấu, tăng cường, củng cố đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao uy tín của Đảng, của cán bộ đảng viên với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tự phê bình, phê bình phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để, đến nơi đến chốn, một cách dân chủ, khách quan, công tâm, trung thực, thẳng thắn trên tinh thần đồng chí, đồng đội, giúp nhau cùng tiến bộ “cốt giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc tốt hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuấn đạo cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó chính là bản chất cách mạng của Đảng ta. Do đó, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải nhận thức và thấm nhuần bản chất của Đảng, để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức của mình để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, thật vững mạnh. Chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh dễ thấy ở mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ đảng viên khi đã trở thành người cầm quyền, có quyền, có chức trong Đảng, nếu không nhận thức rõ, rèn luyện tốt dễ lại mắc phải, dễ bị lóa mắt, suy thoái, biến chất, dẫn đến cửa quyền, quan liêu, hách dịch, tham ô, tham nhũng...làm ảnh hưởng, tổn hại đến uy tín Đảng.
Trên đây là những vấn đề căn bản, sống còn Bác căn dặn, nhắc nhở Đảng ta trước lúc đi xa phải thường xuyên ra sức thực hiện nghiêm túc. Do vậy việc thực hiện Di chúc, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay là một yêu cầu tất yếu khách quan, nhất là những lời căn dặn của Bác về xây dựng Đảng, đó là xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức của Đảng, của cán bộ đảng viên là một yêu cầu bất biến trong tình hình hiện nay.