Trong những ngày này, cả đất nước ta tưng bừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-Tết độc lập dân tộc của Việt Nam. Cách đây 74 mùa Thu, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó có 2 nhiệm vụ về giáo dục, đó là “cần mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” và “giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” (1).
Năm học 1945-1946 là năm học đầu tiên của nước nhà độc lập. Vào tháng 9/1945, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm gửi thư thăm hỏi động viện các học sinh trên mọi miền của Tổ quốc nhân ngày khai trường. Trong "Thư gửi cho học sinh", ngày 5-9-1945, Bác viết: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"(2). Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"(3). Bức thư của Người đã đi sâu vào lòng dân, tạo thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng triệu thầy giáo và học sinh thi đua dạy tốt - học tốt. Bức thư đã trở thành chân lý của thời đại, đất nước từ chỗ hơn 95% mù chữ, dân ta đã trở thành một dân tộc có văn hoá, khoa học, từ lạc hậu lên tiên tiến và hiện đại, từ nông nghiệp đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) , ngày 15-10-1968, một lần nữa, Bác nêu rõ: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới"(4). Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"(5).
Quán triệt tư tưởng và Di chúc của Bác Hồ, 50 năm qua cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục Việt Nam đã có những chuyển động tích cực và chuyển biến tiến bộ về nhiều mặt. Chính những thành tựu to lớn về giáo dục không chỉ là một trong những động lực thúc đẩy đất nước đi lên, mà góp phần làm cho diện mạo đời sống xã hội ngày càng khởi sắc.Giáo dục đã đào tạo biết bao lớp người, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhiều học sinh của chúng ta xứng tầm với học sinh khu vực và thế giới, nhiều học sinh đạt những giải thưởng quốc tế danh giá, mà tiêu biểu là Giáo sư Ngô Bảo Châu - những học sinh được đào tạo nền tảng ban đầu ở Việt Nam.Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, đã xây dựng được nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân để nâng cao được trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Quy mô của giáo dục đào tạo đã có sự tăng trưởng mạnh. Tỷ lệ sinh viên các trường đại học so với dân số, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức được nâng cao dần. Hệ thống cơ sở GD-ĐT phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân; đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS. Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển quan trọng từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, dạy làm người. Việt Nam đã có 2 Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới và có 7 trường đại học được xếp vào nhóm 500 trường đại học tốt nhất châu Á.
Đó là một kết quả rất đáng trân trọng của chúng ta. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thì giáo dục chúng ta bị đánh giá là chưa theo kịp yêu cầu. Giáo dục hiện nay có những điều gây nuối tiếc so với trước đây. Những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của xã hội làm cho giáo dục hiện nay của chúng ta có nhiều vấn đề, từ quan hệ thầy trò đến thi cử, tiêu cực trong giáo dục… Chúng ta đã rất lo lắng về sự giả dối, bệnh thành tích trong giáo dục.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên cũng chưa được quan tâm đúng mức, làm cho giáo dục không theo kịp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, không theo kịp được nền giáo dục của khu vực cũng như của thế giới.
Chính từ những lẽ đó, Đảng ta đã có Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn tiện GD-ĐT. Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng về tổng thể GD-ĐT nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.
Ngày 30/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tiếp tục ban hành Kết luận số 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt các chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9, đón chào năm học mới, với nỗ lực và quyết tâm cao, chúng ta tin tưởng năm học 2019-2020 sẽ đạt được nhiều kết quả mới tốt đẹp.
Tài liệu thao khảo:
(1,2,3,4,)-Bác Hồ với Giáo dục, NXB Giáo dục.
( 5)-Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 .
-Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.