SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
1
0
0
3
8
2
7
Tin tức sự kiện 30 Tháng Chín 2019 7:50:00 SA

Trở lại chuyện dài “xe dù – bến cóc”: Bài toán chưa có lời giải!

 

Vận tải hành khách là một ngành kinh doanh không mới. Xưa, chưa có đường bộ và xe cộ, ghe xuồng chở khách trên sông được gọi là những con đò. Đò ngang để qua sông. Đò dọc chạy dài theo sông, đưa khách đến những hành trình định trước. Dân miền sông nước quen với những con đò, đến khi có xe chở khách, gọi luôn là xe đò, cho tiện và dễ hiểu.

Xe đò, từ trong giấy khai sinh, đã ghi rõ là thành phần kinh tế tư nhân. Có đường xá, có xe chở khách, chở hàng chính là yếu tố quan trọng góp phần tạo ra nền kinh tế hàng hóa cho đất nước trong thế kỷ 20. Dưới thời bao cấp, xe đò tư nhân phải nấp sau các bảng hiệu hợp tác xã, hoặc công tư hợp doanh. Riêng bến xe thì quốc doanh hoàn toàn.

Từ đây, xe đò không vào bến được mang tên gọi xe dù – một từ ngữ Sài Gòn thông dụng. Những điểm đón, trả khách của xe dù được người Hà Nội đặt tên: bến cóc – do thay đổi vị trí thường xuyên, tựa như cóc nhảy.

Ở thời điểm hiện nay, hầu hết các nhà xe đều có đăng ký kinh doanh, nạp thuế đầy đủ. Không ít nhà xe còn thể hiện trách nhiệm xã hội rất tốt trong quá trình hoạt động, tích tực hợp tác với chính quyền thực hiện các quy định về trật tự, vệ sinh môi trường. Đây đó, vẫn còn những trường hợp cá biệt về xe khách ứng xử với hành khách mang tính côn đồ, nhưng tuyệt đại đa số là tôn trọng khách hàng, ráng giữ gìn uy tín thương hiệu để sống còn trong thời buổi kinh tế thị trường.

Chính họ - xe dù có thương hiệu – đang là một lực lượng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, bằng sự năng động của mình.

Gần đây, quy hoạch Bến xe Miền Đông mới tận Quận 9, lập tức phát sinh nhiều bến cóc quanh Bến xe Miền Đông ở Bình Thạnh, do ngành giao thông quy định từ 15/8/2019, các tuyến xe từ thành phố đi các tỉnh từ Quảng Trị trở ra phía Bắc đều di dời sang bến mới. Khoảng cách không xa lắm giữa bến cũ và mới, nhưng thực trạng giao thông trên các tuyến đường khu vực này cho thấy thời gian trung chuyển khách phải mất… 2 giờ, khiến một đại diện của xe khách Mai Linh phải kêu trời, kiến nghị nếu dời ra bến mới phải dời hết, không thì… “chết” nhà xe, do khách đi từ các bến cóc xung quanh cho tiện, chẳng cần “trung chuyển”!

HAI BẾN XE LIÊN TỈNH CÓ CÒN PHÙ HỢP?

Dân số phát triển, kinh tế phát triển tại thành phố tới mức đường sá chật chội, bất kỳ vị trí nào cũng có thể xảy ra kẹt xe. Bối cảnh thực tế này tác động rất lớn tới nhu cầu của người dân, khi cần đi xe khách. Nhanh chóng và thuận tiện là lựa chọn hàng đầu, sau mới tính đến phần giá cả hợp lý.

Điều cực kỳ khó hiểu là hơn chục triệu dân chỉ có vỏn vẹn hai bến xe Miền Đông, Miền Tây xa tít ở hai đầu thành phố. Giờ cao điểm, di chuyển được đến bến xe là thở phào, vào bến, gởi xe máy, mua vé, chờ… Đến giờ khởi hành, xe ra khỏi bến, bác tài nào cũng toát mồ hôi khi cho xe “bơi” giữa biển người và xe vây quanh, giành nhau từng cú lách đầu, vượt lên. Từ bến ra, không có nhiều lựa chọn, vì xe khách phải đi theo lộ trình nhất định. Một xe hay một trăm xe cũng vậy. Không muốn cũng phải xếp hàng, nối đuôi. Xe ra khỏi thành phố phải mất cả giờ, ai nấy cũng thở phào lần nữa – như vừa… thoát nạn.

Giao thông không chỉ là một ngành kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội, nhu cầu an ninh quốc phòng, trực tiếp liên quan đời sống hàng ngày của từng người dân. Tương tự thành phố chúng ta, thủ đô Jakarta của Indonesia cũng đối diện vấn nạn kẹt xe, và người ta đã nghiên cứu, công bố con số gây sốc: người dân ở đây trung bình mất 10 năm trong cuộc đời mình để dùng cho việc đi lại – đi học hoặc đi làm bình thường!

Theo Quyết định số 568/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích dành cho bến bãi vận tải của thành phố là 1.145 hecta, đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, trong khi Sở Giao thông thành phố cho biết: diện tích bến bãi ở thành phố hiện chỉ xấp xỉ 200 hecta, đạt… 20% so với quy hoạch, vì nhiều lý do. Mặt khác, quy hoạch cũng chỉ tập trung cho bến bãi giao thông công cộng – không có chỗ cho nhiều bến xe khách.

Có lẽ, đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất: ngay từ trong quy hoạch, trong tầm nhìn và cả trong thực tiễn, nhu cầu nhiều bến xe khách bố trí hợp lý và thuận tiện đi lại cho người dân đã bị bỏ quên. Theo quy luật kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung, thế là xe dù, bến cóc mọc lên lung tung, nhưng cũng có đủ thứ giấy tờ kinh doanh, hoạt động ì xèo. Gần như năm nào cũng có những đợt lập lại trật tự, dữ dội hơn thì “kiên quyết dẹp”, nhưng rồi cũng đâu vào đó.

Bài toán khó vẫn chưa có lời giải đúng!


Số lượt người xem: 1101    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm