1. Những nguy cơ gây cháy nổ gas trong sử dụng để đun nấu:
- Bếp đun, dây dẫn, van xả khí, bình gas không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC.
- Các khớp nối liên kết giữa bếp, dây dẫn, van xả khí không kín, dây dẫn gas bị chuột cắn, gas thoát ra ngoài tạo thành hỗn hợp cháy, nổ gặp nguồn nhiệt sẽ bắt cháy, nổ.
- Đun nấu không trông coi để tắt lửa ở bếp trong khi van xả khí vẫn mở.
- Đang đun nấu thay bình gas mà không tắt lửa ở bếp.
- Không thường xuyên vệ sinh bếp.
- Đăt bếp gần vật cháy, lửa từ bếp bén cháy gay ra cháy lan, nổ bình.
- Đun nóng dầu ăn, mỡ để xào, rán bùng cháy gây cháy lan.
- Để các vật cháy sát với bếp hoặc đặt chồng lên kiềng bếp vừa đun nấu xong.
- Sử dụng bình gas được san nạp lai trái phép không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC.
2. Biện pháp PCCC trong sử dụng gas:
a) Bố trí nơi đun nấu:
+ Có phòng bếp riêng được ngăn cách bằng vật liệu không cháy với các phòng khác. Phòng bếp có cửa đi, cửa sổ và cửa thông gió;
+ Khoang đặt bình gas được ngăn cách với vị trí đặt bếp bằng vật liệu không cháy;
+ Bình gas được đặt trên nền nhà bằng phẳng vững chắc, có tường ngăn cách chống va đập làm đổ, xê dịch bình, hỏng hoặc tuột van xả khí;
+ Mỗi bếp đun chỉ bố trí 1 bình loại 12 hoặc 13 kg gas; không để bình dự trữ hoặc vỏ bình trong bếp đun.
b) Trang bị, lắp đặt bếp:
- Trang bị bếp đun đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn PCCC; van xả khí phải tự động đóng trường hợp lửa ở bếp bị tắt, công tắc bếp vẫn mở; dây dẫn gas chắc chắn, đảm bảo kín.
- Các khớp nối lien kết giữa bếp, dây dẫn, van xả và bình gas phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, chắc chắn và đảm bảo độ kín chống rò rỉ gas.
- Dây dẫn gas được lắp đặt ở vị trí tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, có lớp bảo vệ chống chuột cắn. Đối với dây dẫn gas của các bếp ăn tập thể phải luồn vào ống cứng, bắt chặt vào tường, không được bắt chồng lên hoặc cắt ngang dây dẫn điện
c) Tăng cường kiểm tra phát hiện và khắc phục những sơ hở thiếu sót:
- Phải thường xuyên kiểm tra chất lượng các bộ phận của bếp gas, nếu phát hiện bộ phận nào không đảm bảo an toàn thì phải yêu cầu cửa hàng cung cấp thiết bị khắc phục ngay.
- Cần phải kiểm tra và khóa van bình gas trước khi đi ngủ và trước khi ra khỏi nhà.
d) Trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy:
- Đối với bếp ăn tập thể, cửa hàng ăn uống có sử dụng gas cần phải trang bị 04 bình bột chữa cháy loại 4kg, 02 bình khí chữa cháy loại 3kg, 02 chăn sợi và 01 thùng nước chữa cháy dung tích 100 lít.
- Đối với các hộ gia đình cần phải trang bị các dụng cụ chữa cháy cần thiết như chăn chiên hoặc bao tải, thường dự trữ nước, 01 bình chữa cháy bằng bột loại 4kg bột.
đ) Phát hiện và xử lý bình gas khi bị rò rỉ:
- Phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện rò rỉ. Khi phát hiện mùi gas, hoặc thiết bị báo động phát tín hiệu, phải nhanh chóng xác định vị trí bị rò rỉ. Sử dụng khăn vải ướt bịt vào mũi và miệng di chuyển ra khu vực bình gas, khóa van khóa cổ bình gas lại.
- Mở tất cả các cửa, ô thoáng để làm giảm nồng độ hơi gas trong phòng.
- Dùng nước xà phòng, nước rửa chén bôi lên những nơi nghi rò rỉ để xác định vị trí bị rò rỉ.
- Tuyệt đối không được dùng ngọn lửa để tìm chỗ rò rỉ, không được bật điện, không được nghe điện thoại trong khu vực khí gas rò rỉ:
+ Đánh dấu bình và vị trí bị rò rỉ;
+ Phải loại trừ ngay các nguồn lửa, nguồn nhiệt gần khu vực chứa bình gas;
+ Bịt chặt chỗ rò rỉ lại và kịp thời di chuyển bình bị rò rỉ ra ngoài, đặt xa nguồn lửa và nơi đông người;
+ Không được tháo bỏ hoặc sửa van chai đã bị hư hỏng, mà chuyển cho đại lý xử lý;
+ Khoanh vùng xếp đặt các bình bị rò rỉ, treo biển cấm người qua lại và thông báo ngay sự cố cho cơ sở cung cấp hàng.
e) Quy trình sử dụng bếp gas:
- Kiểm tra độ an toàn, độ kín của van xả, dây dẫn gas, các khớp nối giữa van xả, dây dẫn gas và bếp;
- Mở van xả gas;
- Bật bộ phận đánh lửa ở bếp;
- Điều chỉnh ngọn lửa theo yêu cầu;
- Khi đun nấu xong:
+ Đóng van xả gas;
+ Tắt bếp;
+ Vệ sinh bếp.
- Trong trường hợp đánh lửa bị hỏng, cần phải mồi lửa thì phải đưa ngọn lửa mồi vào trước sau đó bật bếp gas, tuyệt đối không được bật bếp gas trước khi đưa ngọn lửa mồi vào vì có thể lượng gas phát sinh quá lớn gây bùng cháy.
g) Xử lý khi xảy cháy trong sử dụng gas:
- Khi xảy ra cháy gas hoặc chảo dầu mỡ cháy khi đun nấu, ngay lập tức phải báo động cho mọi người biết, đồng thời báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số 114
- Nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu, hiệu quả nhất là sử dụng bình chữa cháy xách tay phun vào đám cháy, phun trực tiếp vào khu vực gốc lửa là khu vực cổ bình gas, sau khi dập tắt đám cháy cần vặn van khóa bình gas.
- Trường hợp cháy chảo dầu, mỡ khi đun nấu tuyệt đối không được sử dụng nước để chữa cháy chảo dầu mỡ cháy, nó sẽ gây bùng cháy nguy hiểm đến tính mạng và có thể gây cháy lan ra toàn bộ căn phòng.
- Nếu hơi khí gas xì qua van bình bị bắt cháy phải lập tức đóng van bình gas, nếu có thể thì di chuyển các bình gas ra nơi an toàn.
- Thực hiện các bước đã quy định trong phương án chữa cháy.
- Khi lực lượng chữa cháy đến phải thông báo chính xác nơi có cháy, vị trí tồn chứa các bình và các vật liệu khác.