Bên cạnh mục tiêu phát triển thành đô thị thông minh, Đảng bộ và chính quyền thành phố còn đang hướng tới một mục tiêu đầy tham vọng: xây dựng thành phố trở thành một trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á.
Đây là mục tiêu lớn, nhưng hoàn toàn phù hợp với vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước như thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, xét trong bối cảnh kinh tế ASEAN liên tục duy trì mức tăng trưởng cao nhưng vai trò đầu tàu trung tâm tài chính chỉ mình Singapore là nổi bật, rõ ràng còn rất nhiều dư địa để thành phố nỗ lực đạt tới mục tiêu này.
Mấy tháng gần đây, tình hình bất ổn xã hội ở Hongkong đã kéo theo sự hoang mang của giới kinh doanh tài chính – ngân hàng và thực tế là đã có những bước đi dọ dẫm hướng về phía Singapore, như một lựa chọn theo hướng dự phòng an toàn cho tương lai, vì nhiều lý do thuận lợi: gần gũi về địa lý, cộng đồng người Hoa đông đảo, cùng dùng tiếng Anh trong giao dịch, tương đồng văn hóa, trong vùng kinh tế tăng trưởng cao và năng động.
Trước năm 1975, người Hoa ở Hongkong và người Hoa ở Chợ Lớn có quan hệ làm ăn vô cùng sâu rộng trong nhiều ngành nghề và lãnh vực. Sự gần gũi ấy làm nên câu thành ngữ “Hongkong bên hông chợ Lớn”. Thương gia hai bên qua lại như đi chợ, qua các chuyến bay của hàng không Việt Nam và Cathay Pacific, Hongkong. Trong thời kỳ khó khăn thập niên 80 thế kỷ trước, cũng chính từ những đơn hàng của thương nhân Hongkong đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng Việt, với những lô hàng đầu tiên là trứng vịt muối và khoai mì lát, xuất phát từ Quận 5.
Xa xưa hơn, từ thời Pháp thuộc, ngân hàng đầu tiên của người Việt mở ra là trên đất Sài Gòn, năm 1927, có tên “Việt Nam ngân hàng”. Trụ sở ban đầu nằm ở đường Pasteur, sau dời về góc ngã tư Nguyễn Huệ - Tôn Thất Thiệp. Chủ tịch ngân hàng là ông Trần Trinh Trạch, điền chủ giàu sụ đất Bạc Liêu, cha của “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy – người chơi ngông tới mức đi vào huyền thoại Nam bộ. Chỗ độc đáo là ông Trạch dám làm ngân hàng, kinh doanh cạnh tranh với ngân hàng Đông dương của giới chủ Pháp tại thủ phủ Sài Gòn.
Gần trăm năm sau, Sài Gòn nay đã là thành phố Hồ Chí Minh, định vị ngắn gọn trong hệ thống kinh tế quốc gia như sau: đóng góp 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 30% kim ngạch xuất khẩu, 30% số lượng dự án đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam. Về hoạt động tài chính, thành phố hiện có 2.138 tổ chức tín dụng và một thị trường chứng khoán chiếm tới 90% giá trị thị trường cổ phiếu cả nước.
Đứng trước bước ngoặt toàn cầu hóa và nhu cầu bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hình thành một trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh chính là tạo bệ đỡ cho tất cả các ngành kinh tế - công nghệ - dịch vụ khác phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng mọi dịch vụ tài chính – tín dụng cho quá trình xây dựng nền kinh tế số hóa.
Ngày 18/10/2019 khai mạc Diễn đàn Phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 2019, quy tụ khoảng 800 đại biểu và khách mời, trong đó có đại diện Ngân hàng Thế giới, các định chế và tổ chức tài chính quốc tế, lãnh đạo chính phủ và bộ, ngành liên quan. Chủ đề chính của Diễn đàn là “Phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và Quốc tế”.
Có thể thấy gì từ sự kiện nóng hổi này ? Đó là bước đi công khai đầu tiên, hiện thực hóa khát vọng. Đó cũng là xác định một trọng tâm phát triển thành phố khi phóng tầm nhìn về tương lai của một, hai thập niên tới. Vùng đất vàng Thủ Thiêm đang dần định hình cơ ngơi cho một trung tâm tài chính hiện đại song hành cùng thành phố cũ.
Doanh nhân Quận 5 hầu hết có sở trường và ưa thích những hoạt động dịch vụ, môi giới, đầu tư, mua bán… hẳn nhiên rất cần chuẩn bị sẵn sàng để góp mặt vào một trung tâm tài chính tương lai – một tương lai không còn xa!