Trong tác phẩm Đông Dương (1923-1924), phần Chính sách ngu dân, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Trường học lập ra không phải để giáo dục cho thanh niên An Nam một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng cho họ, mà trái lại càng làm cho họ đần độn thêm…Điều gì có thể rèn luyện được cho học sinh biết suy nghĩ, biết phân tích thì người ta không dạy ở nhà trường. Vấn đề nào có liên quan đến chính trị, xã hội và có thể làm cho người ta tỉnh ngộ đều bị bóp méo và xuyên tạc đi…Nói tóm lại, trường học thật là tương xứng với chế độ đã khai sinh ra nó”. (1)
Dưới thời Pháp thống trị, nền giáo dục nước ta là nền giáo dục nô dịch do thực dân Pháp chủ trương và kiểm soát. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã thiết lập một nền giáo dục mới – nền giáo dục dân tộc, dân chủ - của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập.
Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Người nói: “Vấn đề thứ hai, nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ…Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” (2)
Ngày 8-9-1945, Người ban hành Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục; Sắc lệnh số 19/SL quy định tổ chức các lớp học buổi tối cho nông dân và thợ thuyền; Sắc lệnh số 20/SL quy định việc bắt buộc học chữ quốc ngữ trong toàn quốc, không mất tiền. Điều 2, Sắc lệnh số 20/SL nêu rõ: “Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền” (3)
Ngày 4-10-1945, Người ra Lời kêu gọi toàn thể quốc dân tham gia Chống nạn thất học, trong đó, có đoạn: “Nay chúng ta đã giành đuợc độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí…Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ờ hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình…” (4)
Chỉ sau hơn một năm, cả nước đã “mở được 75.805 lớp học, có 97.644 người tham gia dạy học và hơn 2, 5 triệu học viên đã biết đọc, biết viết” (5)
Đối với ngành học phổ thông, Người chỉ đạo chuẩn bị chương trình cải cách hệ thống giáo dục cũ, từng bước phát triển giáo dục phổ thông thành một nền giáo dục đại chúng. Nhân ngày khai giảng đầu tiên của ngành học phổ thông, Người gửi Thư cho học sinh cả nước, trong đó, Người viết: “Trước đây, cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ…Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em…”(6) Bức thư hàm chứa những tư tưởng lớn của Người về xây dựng một nền giáo dục hiện đại, cách mạng, đã có sức cổ vũ lớn đối với thế hệ trẻ.
Ngày 10-10-1945, Người đã ký Sắc lệnh số 44/SL thành lập Hội đồng cố vấn học chính gồm khoảng 30 thành viên là những người có kiến thức về giáo dục, do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe làm Chủ tịch, để giúp Bộ Quốc gia Giáo dục cụ thể hóa những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền giáo dục của nước nhà, đồng thời khẩn trương nghiên cứu chương trình cải cách giáo dục…
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc gia Giáo dục đã tổ chức khai giảng các trường phổ thông trong cả nước vào tháng 9-1945. Riêng ở Nam Bộ, vì tình hình chiến sự do quân đội Pháp gây hấn, việc khai giảng các trường phổ thông không thực hiện được theo kế hoạch.
Về giáo dục đại học, Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định việc tiếp thu cơ sở của Đại học Đông Dương, kế thừa và cải tổ các trường đại học và cao đẳng đã có, thành lập thêm một số trường mới, dùng tiếng Việt để giảng dạy ngay từ niên khóa 1945- 1946 và bàn định công tác nhân sự (lựa chọn, bổ nhiệm giám đốc…)
Ngày 10-1-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 43/SL về việc thiết lập Quỹ tự trị trong các trường đại học. Quỹ này được Chính phủ trợ cấp hằng năm và có thề nhận sự tài trợ của các nhà hảo tâm, và Sắc lệnh số 45/SL thành lập Ban đại học Văn khoa Hà Nội.
Thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ, Bộ Quốc gia Giáo dục đã quyết nghị cho các trường đại học trong cả nước thống nhất khai giảng vào ngày 15-11-1945. Các trưởng: Đại học Y khoa, Dược khoa, Nha khoa, Cao đẳng Khoa học, Mỹ thuật, Canh nông, Thú y đã có cơ sở cũ thì đón sinh viên trở lại trường học. Trường Đại học Văn khoa mới thành lập, có các khoa: Triết học, Việt học, Hán học, Sử ký, Địa dư. Trong khi chưa cải tổ được Trường Đại học Luật khoa cũ, Chính phủ đã quyết định mở lớp Cao đẳng Chính trị - Xã hội đặt tại Trường Đại học Văn khoa. Giáo sư Đặng Thai Mai được cử làm Giám đốc Trường đại học Văn khoa. Ngoài các nhà triết học, luật học, sử học, văn học, còn có các nhà hoạt động chính trị cũng được mời đến giảng tại Trường Đại học Văn khoa và lớp Cao đẳng Chính trị - Xã hội, trong đó, có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng giảng về Hiến pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp giảng về kinh tế. (7)
Trường Đại hoc Quốc gia Việt Nam khóa đầu tiên đã tổ chức lễ khai giảng đúng ngày 15-11-1945, tại cơ sở Trường Đại học Đông Dương, số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa buổi lễ. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Đại học vụ đọc diễn văn khai mạc.(8)
Trong năm học 1945-1946, các trường đại học đã tiếp nhận đào tạo 1.149 sinh viên chính thức, 270 sinh viên dự thính.(9)
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, các trường đại học và cao đẳng, kể cả các trường phổ thông từ các thành phố bị địch tạm chiếm đã chuyển ra vùng tự do, hoặc lên chiến khu tiếp tục sự nghiệp giáo dục, đào tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ với mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Và cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã được Đảng ta xác định là “quốc sách hàng đầu”.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập – NXB CTQG – H – 2000 –T 1 – tr 399-400.
(2)(4)(6) Hồ Chí Minh Toàn tập – NXB CTQG – H – 2000 – T 4 – tr 8, 36-37, 32.
(3) Việt Nam Quốc dân báo, 9-1945, tr 7-8.
(5) Lê Mậu Hân (chủ biên): Đại cương lịch sử Việt Nam – NXB Giáo dục – H –1999- T 3 – tr 31-32.
(7)(8)(9) Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 4-2013, tr 45.