“Tốt về phong thủy” là lời quảng cáo cửa miệng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khi giới thiệu về một khu đất, khu nhà ở nào đó… bên cạnh các yếu tố thuận tiện giao thông, đầy đủ các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống. Hoặc có người bỗng dưng hay gặp trục trặc trong công việc ở cơ quan, thở than lòng vòng trong đám bạn bè, chắc hẳn sẽ có người “phán”: coi chừng hướng để bàn làm việc không tốt, nên thử xoay hướng khác! Nhớ lên mạng Internet xem hướng dẫn phong thủy để chọn hướng hạp với mình!
Vậy phong thủy là gì? Ai cũng biết, theo nghĩa đen của từ Hán - Việt, phong là gió, thủy là nước. Xưa, đất rộng người thưa, con người sống hòa mình vào trong thiên nhiên, cuộc sinh tồn cũng phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố tự nhiên như nguồn nước, nắng mưa, lụt lội, bão tố… Mỗi xóm làng xưa đều có đình làng, hàng năm làm lễ cúng cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. (Lệ này vẫn còn tới ngày nay, có nơi còn gọi là lễ Kỳ yên. Ở vùng Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang, mỗi dịp Kỳ yên kéo dài 3 ngày 3 đêm, có cả múa lân, hát bội, cải lương và nhiều trò chơi dân gian, trở thành dịp vui chơi náo nhiệt của dân trong vùng, đặc biệt hơn cả là vị trưởng ban tổ chức lễ Kỳ yên ở đây: luôn luôn là một… Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện). Như vậy, ý nghĩa thực của phong thủy chính là các yếu tố tự nhiên làm nên môi trường sống của con người. Xem phong thủy là xem xét các yếu tố ấy, nhằm xác định nơi có thể an cư lập nghiệp, hay lập làng lập ấp mới, phục vụ nhu cầu phát triển. Mặt khác, khi xã hội phát triển, cũng đồng thời thúc đẩy nhu cầu xem phong thủy, việc tiến hành xem phong thủy dần dà cũng trở nên chuyên nghiệp hơn, hình thành những nguyên tắc cơ bản làm nên nghệ thuật xem phong thủy sau này.
PHONG THỦY TỪ TRONG TRUYỀN THUYẾT…
Ngày xưa, người xem phong thủy thường được gọi là thầy địa lý. Xung quanh những thầy địa lý nổi tiếng thường phủ màu huyền bí, với những chuyện ly kỳ, liên quan đến phép thuật, bùa yểm… cùng một câu chuyện nhưng lại có nhiều dị bản khác nhau.
Ông thầy địa lý nổi tiếng nhất trong truyền thuyết Việt Nam là Cao Biền, một danh tướng thời nhà Đường, được cử sang nước ta cai trị với chức vụ An Nam Tiết độ sứ. Cao Biền không chỉ biết đánh nhau, mà còn rành địa lý, phong thủy, tin vào bói toán và pháp thuật do bản thân là một tín đồ của Đạo giáo. Hà Nội xưa là thành Đại La, đắp năm 767 qua nhiều lần tu bổ đến thời Cao Biền cai trị thì cho đắp lại với quy mô lớn: chu vi hơn 6 km, thành cao 8,6 m, chân thành rộng hơn 8 m, mặt thành có 15 lầu vọng dịch. Ngoài thành còn cho đắp đê dài hơn 7 km, cao 5 m. Tương truyền rằng xây thành đến vùng sông Tô Lịch thì cứ bị sụt lở nhiều lần, Cao Biền đã lập đàn làm phép trấn yểm tại đây, vừa chống sụt lở, vừa cắt đứt long mạch vùng này.
Truyền thuyết là vậy, thoắt cái, tháng 9/2001, Hà Nội tiến hành nạo vét sông Tô Lịch. Đội thi công của ông Nguyễn Hùng Cường làm ở đoạn sông thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy - nơi đây xưa gọi là thôn Đoài môn, nghĩa là cửa phía Tây thành Đại La - thì phát hiện hàng loạt di vật cổ hết sức kỳ lạ: 8 bộ hài cốt người, xung quanh hài cốt đóng những cọc gỗ lim có sắp đặt; nhiều xương, răng của voi, ngựa, trâu, hơn 10 cái liễn sành, nhiều vật dụng bằng gốm, bằng sắt, tiền cổ có lỗ vuông, ngói và gạch cổ… Thế là công trình thi công bị tạm dừng. Bảo tàng Hà Nội và một số nhà khoa học, sử học được mời đến khảo sát hiện trường, có cả giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà sử học Dương Trung Quốc. Bấy giờ, ông Nguyễn Hùng Cường mới kể đội thi công của ông đã trải qua nhiều thứ: một số công nhân bị động kinh, có người mơ gặp ma, một số người có thân nhân gặp chuyện bất hạnh liên tiếp…, việc thi công lâu nay cũng gặp nhiều trục trặc không rõ nguyên nhân. Khảo sát xong, không hề có một kết luận chính thức nào được đưa ra. Riêng giáo sư Trần Quốc Vượng xác định đây là vị trí trấn yểm của Cao Biền tiến hành hồi thế kỷ thứ 9, cũng là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu phong thủy Việt Nam.
Cũng từ sự kiện được phát hiện ở sông Tô Lịch, mãi đến 6 năm sau, báo Bảo vệ Pháp luật của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đăng một loạt bài viết trong các số 13, 14, 15, ra từ ngày 31/3 đến 14/4/2007; loạt bài được giật tít: “Thánh vật sông Tô Lịch”, viết khá giật gân, pha mùi mê tín. Tháng 5/2007, tờ báo bị phạt 20 triệu đồng, coi như kết thúc câu chuyện Cao Biền và Hà Nội.
Phong thủy về Sài Gòn có truyền thuyết Hồ Con Rùa ở ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch - Võ Văn Tần, tức Công trường Quốc tế, được nhà văn Huỳnh Bá Thành kể lại trong sách “Vụ án Hồ Con Rùa”, sau được dựng thành phim. Chuyện là khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống năm 1967, đã mời một thầy phong thủy người Hoa đến xem xét thế đất của dinh Độc Lập. Ông này khen dinh nằm ngay long mạch, vị trí dinh là đầu rồng (vì vậy thời đó dinh Độc Lập còn có tên gọi là Phủ Đầu Rồng - nay là dinh Thống Nhất), đuôi rồng nằm ngay vị trí Công trường Quốc tế. Rồng hay vẫy đuôi, e sự nghiệp không bền, cần phải trấn yểm để đuôi rồng nằm yên, vững vàng cơ nghiệp. Thế là Nguyễn Văn Thiệu cho xây hồ Con Rùa có hình hài như ngày nay. Hồ có hình bát giác, mang ý nghĩa bát quái trận đồ - là một biểu tượng trấn yểm. Giữa hồ đặt một con rùa lớn đúc bằng đồng. Cạnh rùa có một tháp cao, là hình tượng như một thanh gươm cắm xuống để ghim chặt đuôi rồng, kế bên có biểu tượng âm dương. Hiện nay, hồ Con Rùa vẫn mang tên cũ, nhưng con rùa đồng đã “bay” mất sau vụ nổ năm 1976, mà theo Huỳnh Bá Thành, do một nhóm người gây ra nhằm làm cho đuôi rồng được giải thoát, vẫy vùng, gây mất ổn định cho chế độ mới sau giải phóng.
Ngẫm ra, chuyện về phong thủy luôn đi kèm yếu tố huyền bí, pha chút ly kỳ, lại có thêm chút thực tế hoặc dấu tích để minh họa, khiến ranh giới giữa phong thủy mê tín và phong thủy nghệ thuật trở nên hết sức mong manh, khó phân định.
… ĐẾN PHONG THỦY THỜI HIỆN ĐẠI (Còn tiếp)