Đã từng có quan điểm cho rằng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (hay nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa như cách diễn đạt ngày nay) không phải và không thể là kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường; đồng nhất kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường với kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chính sự phủ định, đối lập chủ nghĩa xã hội với kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường như vậy đã làm cho nền kinh tế nước ta trước đổi mới, cũng như một số nước muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, rơi vào trạng thái trì trệ, khủng hoảng.
Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới, việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xem đây là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường là kinh tế thị trường, còn định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là “cái đuôi” ghép vào kinh tế thị trường một cách khiên cưỡng. Thực chất của quan điểm này là đồng nhất kinh tế tế thị trường với kinh tế tư bản chủ nghĩa, cho rằng chỉ có một loại hình kinh tế thị trường là kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn lịch sử đều cho thấy tính chất thị trường của nền kinh tế và tính chất tư bản chủ nghĩa không phải là một, không phải chỉ có một loại hình kinh tế thị trường.
Đặc trưng cơ bản nhất của kinh tế thị trường là sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong điều kiện phân công lao động xã hội ngày càng phát triển. Những đặc trưng này tự nó không mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Tính chất tư bản chủ nghĩa không phải là thuộc tính vốn có của kinh tế thị trường. Tính chất của một nền kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của các bộ phận cấu thành của nó, đặc biệt là tính chất của Nhà nước và tính chất của thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường đó. Một nền kinh tế thị trường mang tính chất tư bản chủ nghĩa là do nền kinh tế đó các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa (doanh nghiệp sử dụng và bóc lột lao động làm thuê để chiếm đoạt giá trị thặng dư) tạo nên thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa giữ vai trò chủ đạo, chi phối nền kinh tế; đồng thời Nhà nước, người bảo vệ chế độ sở hữu, quản lý, điều tiết nền kinh tế, mang tính chất tư bản chủ nghĩa, là người đại diện quyền và lợi ích của tư bản. Khi các doanh nghiệp, thành phần kinh tế chi phối nền kinh tế là các doanh nghiệp tư bản và thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa , Nhà nước là Nhà nước tư bản chủ nghĩa, thì tất yếu, nền kinh tế thị trường đó là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Trong quá trình phát triển, để thích ứng với trình độ xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất, trong nền kinh tế tư bản bên cạnh sở hữu tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân đã xuất hiện và ngày càng phát triển các loại hình sở hữu tập thể và các doanh nghiệp tập thể, sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, sở hữu hỗn hợp và doanh nghiệp hợp danh, doanh nghiệp cổ phần. C.Mác cho rằng đây là sự phủ định đối với sở hữu tư nhân, phủ định đối với tính chất tư bản tư nhân ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, do sự đấu tranh của người lao động và để hạn chế những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội cho sự phát triển, Nhà nước tư bản đã buộc phải can thiệp, điều tiết các hoạt động kinh tế, quan tâm nhất định đến lợi ích của người lao động. Nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và xã hội tư bản đã có sự điều chỉnh để thích ứng, tồn tại và phát triển. Đã xuất hiện các mô hình kinh tế thị trường xã hội (như của Cộng hòa Liên bang Đức), kinh tế thị trường với nhà nước phúc lợi (của các nước Bắc Âu). Tất cả những điều này cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, sự đấu tranh của nhân dân lao động, các nhân tố xã hội chủ nghĩa đã từng bước xuất hiện, hình thành trong lòng chủ nghĩa tư bản. Đây là những tích lũy về lượng để khi chín muồi, tạo sự chuyển biến về chất, phủ định chủ nghĩa tư bản, ra đời chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, do tính chất của thời đại, một nước chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa có thể quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản như một chế độ xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế để thực hiện sự quá độ này. Đây là một nền kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình doanh nghiệp, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường này là do thành phần kinh tế nhà nước giữa vai trò chủ đạo, chi phối, định hướng hoạt động của nền kinh tế, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế; và do Nhà nước, người quản lý, điều tiết chung cả nền kinh tế Nhà nước mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Với kết cấu như vậy, thì nền kinh tế thị trường sẽ định hướng phát triển theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa, là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một hình thức đặc thù của kinh tế thị trường. Định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là “cái đuôi” được gán ghép chủ quan vào nền kinh tế thị trường mà là tính chất của nền kinh tế thị trường này. Tính chất này được quyết định bởi chính tính chất của những bộ phận cấu thành, nằm trong kết cấu bên trong của nền kinh tế, xác định bản chất và xu thế vận động của nền kinh tế thị trường, quyết định nền kinh tế vừa chịu tác động của các quy luật của kinh tế thị trường, vừa chịu tác động bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội.