Ngày 24-11-2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54 của Quốc hội). Đây là sự thể chế hóa cao nhất, rất kịp thời nhiều nội dung quan trọng của Kết luận số 21-KL/TW ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Nghị quyết 54 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 15-01-2018. Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết này báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
Đây là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển thành phố sau 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hơn 30 năm đổi mới, giúp thành phố vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước. Nghị quyết 54 của Quốc hội gồm 18 nội dung, tập trung vào 5 lĩnh vực, trong đó:
+ Về quản lý đất đai, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định; việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Về quản lý đầu tư, HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công.
+ Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, HĐND thành phố đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.
+ Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý, Chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) thành phố được ủy quyền cho chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND thành phố.
+ Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý, HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ 12 chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND thành phố quy định...
Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, Kế hoạch số 171-KH/TU triển khai thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND để triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết 54 của Quốc hội, ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 8127/KH-UBND triển khai các nội dung, đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội 3 năm 2018 - 2020 và kế hoạch triển khai hàng năm.
Tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là triển khai quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo Kết luận 21 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội với tinh thần cùng cả nước, vì cả nước, xứng đáng với niềm tin mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đã dành cho Thành phố trong suốt thời gian qua.