Nhân dịp Tết Độc lập đầu tiên, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội…”. Thực tế, Bác luôn coi học sinh, sinh viên là nhân tố hàng đầu, nhân tố quyết định vận mệnh của đất nước sau này.
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo đến thế hệ trẻ, trong đó sinh viên, học sinh là những “người lao động trí óc trẻ” được Bác chú trọng nhiều. Người thường xuyên thăm hỏi, động viên họ, khuyến khích họ miệt mài học tập và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, để trở thành những người có đức, có tài, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, tìm con đường giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho đồng bào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm đến “bộ phận quan trọng” này của dân tộc. Trong giai đoạn 1925 -1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Người đã cổ vũ, cuốn hút những thanh niên, sinh viên Việt Nam, đưa họ đến với cách mạng bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng và khát khao đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào của mình. Khi nước nhà chưa giành được độc lập, từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, một đất nước với hơn 90% dân số là nông dân, đa phần là mù chữ, Người đã bằng những hoạt động thiết thực của mình, tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện giúp họ được học hành để góp sức cho cách mạng. Ngày 28/01/1941, Người bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sinh thời, Bác đã nhiều lần nói chuyện trực tiếp với sinh viên đang học tập trong nước, ở nước ngoài và sinh viên các nước đến dự hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Việt Nam. Qua những buổi nói chuyện đó, Người đã dành nhiều lời dạy bảo với tình thương bao la, gần gũi đối với thanh niên, học sinh. Đặc biệt, Người luôn căn dặn học sinh, sinh viên cần chủ động, tích cực học tập và tu dưỡng đạo đức.
Về việc học tập, Bác yêu cầu sinh viên: “Phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?”. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7/5/1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”.
“Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Bác nhắc nhở học sinh, sinh viên Việt Nam rằng: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Điều đó có nghĩa rằng ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng.
Ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thế hệ trẻ phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bác nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. “Đức”, ở đây như Bác nói là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta, Bác yêu cầu rèn luyện để có đạo đức cách mạng.
Từ tuổi trẻ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu và đồng cảm với thanh niên sinh viên. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, Người khuyên sinh viên hãy thực hiện “6 cái yêu”. Theo Người, 6 điều đó, vừa thể hiện rõ tinh thần và quyết tâm của tuổi trẻ, vừa là cái đích để mỗi sinh viên, học sinh hướng tới và phấn đấu.
1. Đó là yêu Tổ quốc và “phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh”. Luận giải điều vĩ đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cắt nghĩa rất giản dị: Để “Tổ quốc ta giàu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.
2. Đó là yêu nhân dân và muốn làm được như vậy, “phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng, những vui buồn, những công tác nặng nhọc với nhân dân”. Đây đồng thời cũng là thực hiện mối quan hệ gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, gắn bó máu thịt với nhân dân.
3. Đó là yêu CNXH, vì chỉ “có tiến lên CNXH thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”.
4. Đó là yêu lao động. Theo Người, “muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu CNXH thì phải yêu lao động”, vì lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm của mỗi người. Một người trí thức nói yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu CNXH mà không yêu lao động, thì đó “chỉ là nói suông”.
5. Đó là yêu khoa học và kỷ luật, bởi “tiến lên CNXH thì phải có khoa học và kỷ luật”.
Cuối cùng, Người kết luận: Bây giờ là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, là thời đại của CNXH và là thời đại của anh hùng, vì vậy mà “mỗi người lao động tốt đều có thể trở thành anh hùng” và 6 là: “Mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng”.
Suốt những năm tháng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người đã khẳng định: Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà…Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”.
Bác kính yêu đã mãi đi xa nhưng những di huấn của Người dành cho học sinh - sinh viên Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Những di huấn này là tình cảm, là tư tưởng, là lời dạy, là định hướng cho lớp người sẽ làm chủ tương lai của đất nước và đó cũng luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay luôn cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Hiện nay, thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay đã tự tin, tự chủ hơn nhiều trong học tập và tu dưỡng; thực sự là những người được đào tạo chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, có đạo đức cách mạng, tinh thần giác ngộ XHCN và tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Những phong trào: Sinh viên tình nguyện, Tiếp ứng mùa thi, Vòng tay nhân ái... những sẻ chia của họ đối với nhau, đối với cộng đồng, những gương sáng sinh viên nghèo vượt khó, những sinh viên đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế về học thuật, về âm nhạc... đã thực sự làm cho những mong mỏi, những tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa tỏa sáng trong thực tiễn. Học sinh, sinh viên Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế để Việt Nam từng bước vươn mình "sánh vai" cùng các nước trên thế giới.