Bác sĩ của người nghèo
Dù là một phó giám đốc nhưng anh vẫn khám chữa bệnh cho bệnh nhân mỗi ngày. Anh còn năng nổ trong các phong trào chăm sóc sức khỏe cho người nghèo
“Anh Hùng không chỉ là một thầy thuốc giỏi mà còn là một cộng sự tuyệt vời trong công việc cũng như nghiên cứu các đề tài khoa học”- Bác sĩ Lê văn Trương, Giám đốc Bệnh viện quận 5- TPHCM, nhận xét về người đồng nghiệp của mình, Phó giám đốc Nguyễn Văn Hùng.
Hết lòng với bệnh nhân
Sinh ra và lớn lên tại TP Tân An, tỉnh Long An, tốt nghiệp Khoa nội tiết Trường ĐH Y Khoa TPHCM, năm 1996, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, về quê phục vụ bà con. Năm sau, anh lập gia đình và chuyển về TPHCM làm việc tại Trung Y tế quận 5. Gắn bó với nơi này từ khi chỉ là một trung tâm y tế nhỏ bé đến nay đã là một bệnh viện của quận trung tâm, bác sĩ Hùng luôn tâm niệm làm cách nào để phục vụ nhân dân nhiều nhất, bệnh nhân mau khỏi bệnh nhất.
Hiện nay tuy đã là phó giám đốc nhưng anh vẫn kiêm luôn trưởng khoa nội tổng quát. Công việc nhiều, bề bộn nhưng anh lúc nào cũng năng nổ, nhiệt huyết và hết lòng với bệnh nhân. Anh tâm sự: “Nằm trên địa bàn của một quận có rất nhiều bệnh viện của TP, trung ương đóng nên bệnh viện quận 5 chịu rất nhiều áp lực. Xác định được việc này, ban giám đốc quyết định đầu tư vào một chuyên khoa mũi nhọn để thu hút bệnh nhân của loại bệnh này. Năm 2011, chúng tôi quyết định nghiên cứu đề tài “Khảo sát một số yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành những người đến khám bệnh tại Bệnh viện quận 5”. Công trình nghiên cứu ở nhiều yếu tố: tuổi, giới tính, tiền sử bệnh cao huyết áp, đái tháo đường... Công trình được nghiên cứu trên 1.037 bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận 5. Đặc biệt, công trình có sự nghiên cứu, so sánh nguy cơ bị bệnh giữa người Hoa và người Kinh. Do đặc thù người Hoa sinh sống trên địa bàn quận 5 chiếm tỉ lệ khá cao (khoảng 30%), thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ nên nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cũng cao hơn người Kinh. Công trình giúp bệnh viện quản lý sức khỏe người bệnh tốt hơn, kiểm soát tốt hơn và có hướng công tác truyền thông phòng chống động mạch vành cho bệnh nhân ở nhóm tuổi có nguy cơ cao.
Kể với chúng tôi, anh khoe: “Cuối năm 2012, bệnh viện sẽ thực hiện đề tài tầm soát đái tháo đường cho bệnh nhân. Đây là căn bệnh rất nhiều người mắc phải nhưng lại rất khó chữa”.
Sống là cho
Không chỉ biết đến là một bác sĩ năng nổ, nhiệt huyết, ứng xử hòa đồng cùng bệnh nhân, bác sĩ Hùng còn là một thầy thuốc đi đầu trong việc khám chữa bệnh cho người nghèo. Mỗi năm, anh cùng ban giám đốc vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đi khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo ở tỉnh ít nhất 2 lần. Vừa qua, MTTQ quận, phối hợp cùng các đoàn thể khám bệnh miễn phí cho CNVC-LĐ khó khăn trên địa bàn, anh lại xung phong. Mỗi năm, Hội chữ thập đỏ quận khám bệnh cho dân nghèo ở các phường, anh cũng có mặt. Nói về những việc làm của mình, anh Hùng vui vẻ kể: “Cống hiến cho cộng đồng thì to tát quá, tôi chỉ thấy mình góp được một chút chuyên môn để bà con khỏe mạnh. Có đến rồi mới thấy, nhiều hoàn cảnh quá khó khăn, nghèo đói, nhiều căn bệnh nặng nếu phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi. Không chỉ cho, tôi còn nhận được nhiều thứ. Nhiều khi đến nơi cũ, có người còn nhận ra tôi, đến nắm tay cảm ơn bác sĩ. Lúc ấy, tôi cảm thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa”. Anh được trao tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen cho những hoạt động từ thiện của mình nhưng với cuộc đời thầy thuốc của mình, anh cảm thấy ý nghĩa nhất với kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ y tế.
Xác định được phục vụ là yếu tố hàng đầu, hằng năm anh cùng ban giám đốc, CĐ bệnh việc tổ chức hội thi “Điều dưỡng giỏi” để nâng cao kiến thức, thái độ phục vụ cho đội ngũ điều dưỡng, y tế. Không những thế, bệnh viện còn sắp xếp để nhiều bác sĩ, điều dưỡng được nâng cao trình độ. Tại bệnh viện quận 5 đã có người là thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2.... Thế nhưng anh cũng ngậm ngùi: “Nhiều người đi học xong là tìm đến nơi khác tốt hơn nhưng chúng tôi xác định đi đâu thì cũng phục vụ bệnh nhân, cống hiến cho xã hội nên mạnh dạn đề bạt người trẻ vì trẻ thì có thời gian cống hiến dài”.