PGS.TS Trình Quang Phú là một trong những nhà văn có nhiều năm nghiên cứu và viết về Bác Hồ. Xuất bản từ 1996, đến nay, tác phẩm "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" của ông đã được 6 nhà xuất bản tái bản đến 19 lần. Nhà văn Trình Quang Phú không chỉ tạo được dấu ấn của mình khi viết về Bác mà còn với đề tài cách mạng nói chung.
- Sách đề tài cách mạng vốn được xem là dòng sách kén độc giả nhưng của ông được tái bản nhiều, phát hành rộng. Đâu là bí kíp để sách đề tài cách mạng thu hút độc giả?
- Nhiều độc giả nhận xét, sự hấp dẫn của những cuốn sách tôi viết đến từ sự giản dị, chân thành. Nhưng hơn hết, tôi nghĩ đó là thước đo của tấm lòng mọi người đối với Bác Hồ. Viết về Bác, người viết càng thật bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Mọi người rất yêu quý Bác, thích đọc sách về Bác. Đó là niềm vui rất lớn đối với tôi, một nhà văn viết về Bác Hồ.
- Viết về Bác, những câu chuyện nào khiến ông xúc động nhất?
- Bác có rất nhiều câu chuyện khiến tôi xúc động. Ví dụ như chuyện nữ du kích Quảng Nam Huỳnh Thị Kiển - người bị giặc bắt, chặt chân vẫn giữ tấm lòng kiên trung kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác: "Thưa Bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở miền Nam luôn nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù bị cụt hết tay chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng, được nhìn thấy Bác thì không bao giờ buồn. Hôm nay, cháu được gặp Bác, cháu chỉ biết vui suốt đời". Nghe cô Kiển nói đến câu đó, mắt Bác chớp nhanh. Giọt nước mắt lăn trên đôi gò má Bác.
Cô du kích ấy về sau được qua Hungari lắp chân giả, tập đi lại những bước thăng bằng, cảm nhận được tình thương của Bác trong những bước chân: "Biết rằng từng bước đi của tôi có tình thương và sức mạnh của Bác. Tôi nguyện sẽ đi nhanh hơn có thể trở về đội ngũ"…
- Thưa GS.TS, cơ duyên nào khiến ông viết sách về Bác Hồ?
Sự quý mến Bác sâu đậm trong tôi từ tuổi thiếu niên, khi thoát ly gia đình đi kháng chiến. Từ những năm 21, 22 tuổi, tôi có cơ may làm việc ở xứ Nghệ, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đến quê hương của Bác Hồ vào những năm còn rất trẻ. Sau này cầm bút viết về Bác Hồ, tôi vẫn luôn nghĩ đến hình ảnh quê hương núi Hồng, sông Lam. Từ Làng Sen, từ sông Lam, Bác xuyên suốt Huế, Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Nếu không sinh ra trong một gia đình yêu nước, một quê hương giàu tinh thần cách mạng, không có chuyến đi lịch sử một phần lớn chiều dài đất nước từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng để thấu hiểu sâu sắc hơn về tình yêu quê hương, Đất nước, chắc chắn không thôi thúc được ý chí lớn trong trái tim người trai trẻ Nguyễn Tất Thành.
Năm 1968 đến 1970 tôi công tác ở Ủy ban miền Nam. Anh em miền Nam thường gửi yêu cầu chúng tôi gửi những gì về Bác Hồ để họ được hiểu Bác nhiều hơn. Tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác rất sâu sắc. Đó chính là động lực để tôi viết lại những truyện ký đầu tiên: “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”.
- Ông từng chia sẻ, nhà văn Sơn Tùng đã khuyến khích ông viết về Bác Hồ. Ông và nhà văn Búp Sen Xanh hẳn còn đọng nhiều dấu ấn?
Năm 1968, tôi được cử vào Mặt trận Khe Sanh. Trên đường đi tôi gặp lại anh Sơn Tùng, đang đi cùng nhóm báo Tiền Phong vào Trung ương Cục. Ngày ấy, được cử đi chiến trường chống Mỹ là niềm vinh dự lớn. Sự gặp nhau của những người cầm bút, càng làm chuyến đi của chúng tôi vui và ý nghĩa hơn.
Những đêm đầu tiên ở rừng, anh tâm sự với tôi những ý nghĩ đang đến trong anh, đó là viết về Bác. Anh nói: “Đời Bác, bên cạnh một con người giản dị là một Bác Hồ đầy huyền thoại và bí ẩn. Chúng ta không viết thì không ai biết được”. Chính những chia sẻ của anh đã thôi thúc tôi viết về Bác.
Đêm đó, khi nằm võng gần nhau, anh nói: Mỗi đứa cố gắng phải sống để trở về, và đã sống thì phải viết. Ngoài tài văn, anh Sơn Tùng là tấm gương đầy nghị lực. Sau này trở về, khi anh là thương binh hạng nặng vẫn hết mình với những trang viết và viết nhiều về Bác. Anh để lại Búp sen xanh, Hoa dâm bụt… cho đời. Tôi còn biết anh đang viết dở dang Bông huệ trắng, về người con gái Bác Hồ yêu thương.
- Từng có cơ hội gặp Bác Hồ, đó hẳn là kỷ niệm ấn tượng với ông?
- Tôi từng được Bác mời ăn cơm. Khi tôi xới cơm vô ý rơi ra cục cơm nhỏ bằng đầu ngón tay út rớt ra. Khi ấy tôi hơi chần chừ, định lượm cục cơm bỏ vào bát ăn tiếp nhưng Bác nhanh tay lượm cục cơm ấy bỏ vào bát Bác. Bác nhìn mình, nói: “Người nông dân làm được hạt gạo là hai sương một nắng, cực khổ lắm, mình phải hết sức tiết kiệm”. Bác chỉ nhìn mình trách nhẹ thế thôi nhưng ánh mắt ấy, câu chuyện ấy theo tôi suốt cuộc đời. Biết ơn, biết trân quý công sức của con người, tiết kiệm từ những điều tưởng như rất nhỏ như chỉ là cục cơm, cho đến lớn hơn như về thời gian…
- Cảm ơn nhà văn.
PGS.TS, đại tá, nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940, quê Phú Yên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh; hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của gần 20 tác phẩm văn học, trong đó có 7 tác phẩm viết về Bác Hồ.
Tháng 5/2022, Viện Nghiên cứu phương Đông kỷ niệm 20 năm được tặng Huân chương Lao động hạng 2, nhà văn Trình Quang Phú với vai trò Viện trưởng, nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Ở tuổi 82 ông vẫn miệt mài sáng tác văn học, nghiên cứu khoa học và làm nhiều việc giúp ích cho đời. Trong đỉnh dịch Covid - 19 tại TP.HCM, ở vai trò Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên, ông tổ chức những chuyến xe 0 đồng đưa gần 18.000 người dân Phú Yên về quê tránh dịch, chia lửa với TP. Hồ Chí Minh.