Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai, áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có biện pháp cách ly xã hội toàn Thành phố nên tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiềm chế, kéo giảm (cụ thể: giảm 498 vụ, tỷ lệ 27,7% so với năm 2020). Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và mức độ, tính chất hoạt động của các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy cũng nguy hiểm hơn. Nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ Tam giác vàng qua Campuchia, Lào thẩm lậu qua các tỉnh giáp biên giới vào Thành phố tiêu thụ, cất giấu tại các kho ở các địa bàn vùng ven như: huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè,… sau đó ngụy trang trong các loại hàng hóa và thông qua các công ty do các đối tượng thành lập để xuất khẩu đi Đài Loan.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, việc áp dụng cách ly xã hội toàn Thành phố nên các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy không được sử dụng tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: quán bar, vũ trường, khách sạn, quán karaoke,... thay vào đó các đối tượng đã chuyển hướng vào các địa điểm khác như: nhà riêng, nhà thuê, căn hộ cao cấp cho thuê hoặc các biệt thự ở những khu dân cư mới, những nơi có hệ thống âm thanh và cách âm tốt để sử dụng trái phép chất ma túy.
Tình hình tệ nạn mại dâm: trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các đối tượng hoạt động mại dâm trên địa bàn Thành phố hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở đã đóng cửa hoặc phá sản (nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyên tiếp khách nước ngoài), do vậy tình hình hoạt động mại dâm trong thời gian gần đây có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang hình thức mới như: “sugar baby”, “sugar daddy”... với phương thức hoạt động là lợi dụng Internet, mạng xã hội để đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận địa điểm như: khách sạn, căn hộ chung cư, theo hoạt động của các tour du lịch, thể thao... thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm, đây là hình thức hoạt động mại dâm biến tướng mới trong thời gian vừa qua.
Tình hình dịch HIV/AIDS: tại Thành phố nhìn chung tuy có chiều hướng giảm, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư được khống chế ở mức 0,6%, đạt mục tiêu chung của chương trình, nhưng vẫn ở mức cao trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao (người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, bạn tình người nhiễm HIV) và xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn là chủ yếu.
Thực hiện Công văn số 1497/VPCP-KGVX ngày 10 tháng 3 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (sau đây gọi tắt là Ủy ban Quốc gia), Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
Với mục khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,5%; khống chế tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,03%; tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS; bình thường hóa bệnh HIV/AIDS; tiếp tục góp phần giảm tác hại của HIV/AIDS và tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 95-95-95.
Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tập trung chỉ đạo rà soát các nội dung, giải pháp thực hiện các chương trình, kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn Thành phố để đề ra kế hoạch thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, đơn vị; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị tham gia nhằm đạt mục tiêu nhanh chóng kéo giảm rõ rệt tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội và dịch HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố, tạo môi trường bình yên, thuận lợi cho sự đầu tư, phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.