Từ nhiều năm nay, vào tuần đầu tháng 10 hàng năm, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập nhằm “Học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”. Mỗi năm là một chủ đề cụ thể khác nhau.
Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương có thể có chủ đề riêng phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022 trên địa bàn Quân 5 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch COVID-19".
Đó chính là một việc làm thiết thực đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời. Thúc đẩy học tập suốt đời trên địa bàn quận, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành "Thành phố học tập", "Ðô thị thông minh" trong thời đại kỹ nguyên số. Đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Nghị quyết Ðại hội Ðảng các cấp và Quyết định số 1373/QÐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Ðề án xây dựng xã hội học tập giai đọan 2021 - 2030"
Trong việc học tập suốt đời, chúng ta có một tấm gương tự học vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng điển hình về tự học, tự làm và sáng tạo. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911), Bác đã theo học trường Quốc học Huế và trường Tiểu học Quy Nhơn. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người học ở Trường Đại học Phương Đông (năm 1923), Đại học Quốc tế Lenin (năm 1934), nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (năm 1937) với luận án về cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á. Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học. Khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva vào tháng 8/1935, Bác khai trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học. Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Các câu chuyện về tự học của Bác, học làm bếp, viết báo, rửa ảnh, ngoại ngữ… đều rất thiết thực, sâu sắc và đáng để tất cả chúng ta học tập và noi theo. Chính trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Bác đã viết: “Lấy tự học làm cốt”.
Các nhà nghiên cứu đã đúc kết tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập và tự học có mấy điểm chính:
Thứ nhất, học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Người dạy, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi; mọi người đều được học hành, học suốt đời; công nhân và nông dân phải trí thức hóa; dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Người nhấn mạnh, để toàn dân học tập, cho xã hội học tập là phải biến việc học tập thành một phong trào thi đua yêu nước.
Thứ hai, học đi đôi với tự học. Người dạy, không chỉ học ở nhà trường mà trong mọi hoạt động; cán bộ các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ.
Thứ ba, học phải hiểu cho thực chất. Người căn dặn, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Bác chỉ rõ, đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ, chứ không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách... Quan điểm xuyên suốt của Bác là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, nếu không có kiến thức thực chất, học mà không hiểu thì không thể làm việc tốt được.
Thứ tư, giúp đỡ nhau, hợp tác nhau trong học tập. Theo Hồ Chí Minh, việc học dù là việc riêng của từng cá nhân nhưng mọi người phải học lẫn nhau và giúp nhau học tập, trở thành một phong trào xã hội rộng rãi. Bác thường bảo, phải học lẫn nhau và học nhân dân; đối với mọi vấn đề, thầy trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì phải thật thà phát biểu.
Thứ năm, học để hành. Đây vừa là mục đích vừa là phương pháp. Tức là học để làm (được) việc và làm (được) việc là để kiểm nghiệm việc đã học như thế nào. Hồ Chí Minh dạy, học để hành, hành để học, học với hành phải đi đôi; học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy. Vậy nên, nếu không tự học, không học suốt đời thì khó có thể có đủ kiến thức để hành.
Thứ sáu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong học tập và tự học. Bác nhắc nhở người cán bộ phải luôn có ý thức học tập thường xuyên hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Người cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng việc học của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường, không chỉ thỏa mãn với tri thức có trong sách vở mà còn phải từ thực tế cuộc sống. Bởi có học được từ cuộc sống thì mới thấu hiểu được đời sống của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân tốt nhất…
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại khi trên thế giới, giáo dục và đào tạo đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia.
Tinh thần chung “học suốt đời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước ta rất phù hợp với các đề xuất trong tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO: Học để biết (Learning to know), Học để làm (Learning to do), Học để chung sống (Learning to live together) và Học để khẳng định mình, để tồn tại (Learning to be).
Mỗi cán bộ, đảng viên nên đề ra cho mình một lộ trình, một mục tiêu và một phương pháp tự học suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của bản thân, của gia đình. Có tự học suốt đời mới không bị tụt hậu. Có tự học suốt đời mới bắt kịp được sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Có tự học suốt đời mới làm gương cho con em trong gia đình. Có tự học suốt đời mới có thể phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.