Thầy giáo trẻ Huỳnh Trung Nghĩa không chỉ có nhiều sáng kiến trong phương pháp dạy học mà còn thay đổi tư duy học nghề của học sinh hiện nay.
Ở Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương khi nhắc đến thầy giáo trẻ Huỳnh Trung Nghĩa, các đồng nghiệp và học sinh đều biết và quý mến. Thầy Nghĩa là tấm gương người thợ giỏi đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Từ một học sinh học nghề của trường, Nghĩa được nhà trường giữ lại công tác, tạo điều kiện cho học tập nâng cao trình độ chuyên môn và hiện trở thành giáo viên Khoa bảo trì cơ khí.
Dạy học trực quan sinh động
Năm 5 công tác tại trường, Nghĩa trực tiếp làm chủ nhiệm và đứng lớp giảng dạy nhiều khóa học sinh. Nhờ trẻ tuổi, dễ gần, dễ tiếp xúc với học sinh nên chuyện truyền đạt bài học, hướng dẫn kèm cặp học sinh hoàn thành môn học cũng như tham gia các kỳ thi tay nghề của Nghĩa đều tương đối thuận lợi. Cũng vì đi lên từ học sinh nghề, Nghĩa luôn động viên học trò của mình, cứ cố gắng yêu và bám trụ với nghề thì nghề sẽ không phụ mình. Con đường nghề luôn rộng mở cho lớp thợ trẻ.
Rút tỉa từ kinh nghiệm đứng lớp, Nghĩa đã mạnh dạn đề bạt với lãnh đạo Khoa và Ban Giám hiệu nhà trường sáng kiến: “Lắp đặt hệ thống tạo lỗi (Pan) cho thiết bị điều khiển thủy lực”. Với sáng kiến này, giáo viên thao tác và hướng dẫn trên mô hình một cách dễ dàng, truyền đạt được nhiều kiến thức chuyên môn, tạo động lực học tập và cải thiện đáng kể chất lượng đào tạo, đặc biệt là đối với những học sinh yếu. Đi sâu vào chuyên môn cụ thể, thầy giáo trẻ Huỳnh Trung Nghĩa cho biết: “Với môn học bảo trì bão dưỡng, cần nhất là hiểu được nguyên lý vận hành, phát hiện nhanh các lỗi thường gặp từ đó sẽ tìm ra cách khắc phục. Vì vậy, bản thân tôi rất tâm đắc khi tạo ra mô hình học cụ này. Bởi vì với học sinh, phương pháp tạo lỗi (Pan) trên hệ thống điều khiển thủy lực sẽ giúp cho người học vận hành, bảo trì, xử lý lỗi (Pan) thực hiện công việc nhanh hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian và kinh phí. Đồng thời cải thiện về phương pháp tiếp cận các lỗi đối với hệ thống điều khiển thủy lực để mở rộng nguồn dữ liệu tạo lỗi (Pan)”.
Học sinh Lê Văn Hiếu, lớp 20BCK cho biết: “Với mô hình học cụ trên, khi trực tiếp học trên lớp, bản thân em rút ra nhiều kinh nghiệm, nhất là khi vận hành thực tế là phát hiện ra ngay lỗi. Hơn nữa, đi sâu vào từng chi tiết giúp mình kiểm tra xi lanh một cách chính xác, kiểm tra được đường điện trong môn học lắp đặt và bảo trì hệ thống khí nén. Nếu học viên học lý thuyết suông thì không đủ, cách học vừa lý thuyết gắn với trực quan sinh động thì nắm bắt nhanh hơn. Còn quy trình thực hành là bộ điều khiển, cơ cấu chấp hành, biết thao tác các nút nhấn, rờler…Bản thân em rất thích học môn học sinh động của thầy Nghĩa. Thầy chuẩn bị rất đầy đủ, chi tiết từng bài giảng nên giúp em tiếp thu nhanh. Từng môn học là em nắm bắt tốt nội dung, yêu cầu, từ đó giúp em tự tin khi ứng dụng thực tế khi đi thực tập hoặc sau này ra trường có thể làm nghề ngay”.
Tiết kiệm chi phí cho trường
Theo ông Lê Bảo Khanh, Trưởng Khoa Điện tử, Chủ tịch Công đoàn trường, với mô hình tương tự được chế tạo theo giá trên thị trường là 25 triệu đồng, còn từ sáng kiến tự làm của thầy Nghĩa, tổng chi phí thực hiện chỉ 5 triệu đồng. Như vậy, với sáng kiến “Lắp đặt hệ thống tạo lỗi (Pan) cho thiết bị điều khiển thủy lực” của thầy Nghĩa đã tiết kiệm được cho nhà trường số tiền 20 triệu đồng. Ngoài ra, thầy giáo trẻ Huỳnh Trung Nghĩa còn rất năng nổ trong các phong trào hoạt động đoàn thể lẫn chuyên môn. Đặc biệt, bản thân thầy Nghĩa còn là một bí Bí thư Đoàn Thanh niên trường nên thường có những phát động phong trào sôi nổi của tuổi trẻ tại đơn vị thu hút nhiều học sinh tham gia. Từ đó, các hoạt động không chỉ tạo sự hứng khởi trong học tập cho các em học sinh tại trường mà còn giúp các em hiểu rõ hơn về những việc làm có ích cho cộng đồng như các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nguy hại…Và với thành tích lao động giỏi, lao động sáng tạo mà bản thây thầy giáo trẻ Huỳnh Trung Nghĩa đạt được đã giúp thay đổi rất nhiều về suy nghĩ trong học sinh về con đường học nghề. Bản thân thầy Nghĩa cũng là tấm gương phấn đấu của các lớp thợ trẻ, giỏi nghề thì nghề không phụ.
Được biết, từ học nghề, thầy giáo trẻ đã hoàn thành lên trình độ đại học và dự định tiếp tục học cao hơn để hỗ trợ cho công tác giảng dạy, đặc biệt là tiếp tục có những sáng kiến trong bảo trì bảo dưỡng những thiết bị sẵn có tại trường, vừa đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy vừa giúp học sinh có môi trường thực hành thực tế.
Niềm vui đến với thầy giáo trẻ Huỳnh Trung Nghĩa trong năm nay là được trao tặng giải thưởng Trần Văn Kiểu năm 2022 và đặc biệt là vừa được Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp bổ nhiệm là 1 trong 8 đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022 với thành tích: Huy chương Vàng nghề Bảo trì máy CNC tại kỳ thi Tay nghề ASEAN năm 2014. Trước đó, Nghĩa được nhận Giấy khen của UBND Quận 5 hoàn thành xuất sắc công tác Đoàn và phong trào thanh niên khu vực trường học Quận 5 năm 2020-2021; Giấy khen của Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, năm 2020.