Không phải ngẫu nhiên, ngày 6 tháng 12 năm 2012, tại Pháp, UNESCO đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi lẽ, Giỗ Tổ Hùng Vương là một nét tín ngưỡng đặc biệt của người Việt. Đó là tín ngưỡng Thờ cúng Tổ Tiên, một tín ngưỡng rất thiêng liêng gần như một tôn giáo của dân tộc (Đạo Ông Bà). Khác với ngày phương Tây vốn coi trọng ngày sinh, còn người Việt thường tôn vinh một người khi họ qua đời, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Do đó, trong phong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng hơn cả là ngày Giỗ. Ngoài ngày Giỗ, thì việc thờ cúng tổ tiên được tiến hành vào bất cứ khi nào, nhất là những sự kiện quan trọng. Thờ cúng tổ tiên không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, gia tộc, mà trên phương diện rộng hơn là cấp độ làng xã (thờ Thành Hoàng, thần bản mệnh của cộng đồng, thờ các Vị anh hùng dân tộc ở các địa phương, các vị tổ sư các ngành nghề, ...) và cấp độ cao nhất, mang tính quốc gia là thờ Vua Hùng.
Theo nhiều tài liệu, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương từ xa xưa được chọn vào một ngày tốt của mùa thu, sau đó là ngày 11 tháng Ba âm lịch. Đến năm 1917 triều đình Nhà Nguyễn (năm Khải Định thứ hai) mới có quyết định chính thức lấy ngày 10 tháng Ba làm ngày Quốc giỗ/Quốc lễ theo đề nghị của quan tuần phủ tỉnh Phú Thọ. Và cho đến nay, với truyền thống lâu dài, ý thức về cội nguồn mạnh mẽ, ngày mùng 10 tháng 3 hằng năm được dân tộc ta ghi nhận là một ngày trọng đại, thiêng liêng, đáng ghi nhớ.
Trên thế giới không có quốc gia nào lại không về khởi nguyên dân tộc, người lập quốc đầu tiên, nhưng ngay cả những nước có những nền văn minh sớm trong lịch sử nhân loại (Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc, ...) đến nay cũng không có người nào được tôn thờ sùng bái làm vị Tổ của mình. Riêng Việt Nam, các vị vua Hùng được dân tộc ta tôn thờ là Quốc Tổ, có công gây dựng cơ đồ nước Việt, để lại cho chúng ta một quốc gia tươi đẹp, giàu bản sắc, dũng cảm, nghĩa tình,... Và cứ đến ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3, tất cả những người dân Việt dù ở đâu cũng hướng về Đất Tổ với tấm lòng thành kính, tri ân Tổ Tiên, Đức Quốc Tổ Hùng Vương, thấm đẫm một đạo lý biết ơn, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín