1. Khi nghĩ đến cổ tích giữa đời thường, tôi vẫn nhớ cậu bé bị ung thư giai đoạn cuối ở trong bệnh viện nhi. Cậu ấy đã kể cho nhiều người nghe rằng, con muốn lớn lên làm chú cảnh sát giao thông. Một ngày kia, mong ước ấy đến tai các cô chú bác sĩ, đến tai các cô chú CSGT. Cậu bé bất ngờ khi một sáng mai tỉnh giấc, được mặc bộ quần áo màu cam cậu mong ước. Bộ quần áo ấy do vợ của một chú CSGT may tặng.
Và cậu được các cô chú hướng dẫn điều lệ, được tham gia hướng dẫn người tham gia giao thông “oách” như một cảnh sát thực thụ. Cái đầu trọc lóc đã rụng hết tóc, nụ cười có phần mỏi mệt sau những đợt xạ trị không thành công vẫn luôn nở trên môi cậu cảnh sát giao thông nhí… đã khiến bao người lớn rưng rưng nước mắt.
Người lớn gọi đó là câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Người lớn nhắc nhau rằng đã lâu thật lâu rồi chúng ta không có những chuyện cổ tích đẹp như thế. Thực tình, dù lớn hay nhỏ, được nhiều người biết hay không thì hình như những câu chuyện cổ tích như vậy vẫn luôn ở đâu đó và đứa trẻ nào cũng ít nhiều gìn giữ những câu chuyện cổ cho mình.
2. Tuổi thơ tôi lớn lên trong một khu tập thể đa phần các hộ đều nghèo khó như nhau. Khó khăn đến mức có lúc con nít theo người lớn lên núi hốt lá thông, lượm cành củi khô về nhóm bếp. Nhà chỉ hai mẹ con ở với nhau, mẹ lại thường xuyên phải đi làm xa nên mới 6 tuổi tôi đã được mẹ dạy nấu bếp, và cũng chừng đó tuổi đã thành tay hốt lá thông “chuyên nghiệp”. Nhà bếp bé xíu xiu mù mịt khói thông khiến tôi luôn coi việc nấu bếp là công việc nhàn tẻ, chán ngắt. Chán tới mức chỉ cần cơm sôi cạn nước, thức ăn chín là sẽ dụi lửa tắt và tót đi chơi ngay mà không cần nghĩ gì đến gian bếp ấy nữa.
Có lần, sau trận bão, nước sông gần nhà cao cả mét. Chợ không ai buôn bán, thức ăn khan hiếm, nhà không còn gì để ăn. Lá thông trong bếp gặp nước khói bay kìn kịt, cay sè mắt. Tôi nấu cơm xong, xào thêm nồi xơ mít. Lúc đó đã chán ngán món xơ mít tận cổ và bắt đầu nghĩ đến món cá mình yêu thích. Đến buổi cơm tối về dọn cơm thì bất ngờ nồi xơ mít biến mất và thay vào đó là nồi cá nục biển kho sả thơm nức mũi. Bữa ăn đó tôi tấm tắc chuyện trò với mẹ, khỏi phải nói mừng vui cỡ nào. Hai mẹ con nghĩ mãi không ra vì sao mà nồi xơ mít lại có thể biến thành nồi cá ngon như vậy.
“Chỉ có thể là có ông Bụt. Ông Bụt mới hiểu con muốn gì. Lúc nãy con đã rất muốn có một nồi cá” – Tôi nói với mẹ như vậy và mẹ tủm tỉm cười.
Lớn lên tôi mới biết được “ông Bụt” là chú hàng xóm. Chú Ngọc vẫn thường ghé gian bếp nhà tôi khi tôi đã chạy đi chơi để kiểm tra xem tôi đã dập tắt hết lửa chưa, phòng sơ sẩy gây hỏa hoạn. Chú cũng thường mở xem thức ăn có gì. Và khi nhìn thấy món xơ mít “chủ đạo” sau ngày bão thì chú không cầm lòng đặng, đổi ngay nồi cá biển kho qua nhà tôi. Quê chú ở vùng biển nên thường có cá nục khô dự trữ trong nhà. Đôi khi hai chú cháu vô tình nhắc lại chuyện nồi xơ mít biến mất vẫn không khỏi cay mắt vì những dư vị ngọt ngào.
3. Bạn tôi kể, dạo bé gần nhà nó có một cây thị. Ba mẹ làm giáo viên đi dạy cả ngày nên khi rảnh, bạn thường ra gốc thị chơi, dơ vạt áo lên và đọc câu lục bát “thần chú”: Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn.
Đọc ba hôm liền chẳng có quả thị nào rụng xuống. Có quả rụng ngay gần đó thì bị chim ăn mất một nửa. Tới hôm thứ tư thì ô hô, một bé thị xinh ơi là xinh rơi trúng phóc vạt áo. Cô bạn hí hửng nâng niu quả thị, đan cho nó một giỏ len bé xíu để cầm theo đi chơi, đặt nó lên đầu giường mỗi đêm nằm ngủ… và không quên mơ giấc mơ cô Tấm hiện ra.
Lớn lớn lên chút nữa, chú hàng xóm vẫn thường hái thị ra chợ bán kể: “Làm gì có chuyện quả thị đang phổng phao ngon lành lại rớt xuống trúng vạt áo. Đó là chú núp trong lùm cây ném xuống đấy”. Cô bé con ngày đó cũng đã lớn, cười híp mắt và vẫn nhớ không nguôi về những ngày ngọt ngào vì có một quả thị “vô tình” rơi trúng áo.
Bạn bảo vừa kể chuyện cô Tấm cho cháu gái nghe, hôm nào rảnh có khi phải “dụ” con bé ra gốc thị đọc “thần chú”, rồi núp trên đó ném quả thị xuống vạt áo để xem con bé có vui niềm vui trong veo, tin niềm tin trong veo như mình ngày nào không?
Mỗi đứa trẻ đều mơ cổ tích. Mà làm sao không mơ được, khi mà những câu chuyện ngọt ngào hơn mật ấy rồi sẽ cùng những cô nhỏ, cậu nhỏ lớn lên và mang theo suốt cuộc đời này. Mỗi năm, chúng ta có một ngày 1/6 – Quốc tế Thiếu nhi – để người lớn thể hiện lòng yêu thương bọn trẻ khắp thế giới này. Nhưng kì thực, tất cả những ngày còn lại, trẻ con vẫn luôn được xem là “tương lai”, vẫn cần được người lớn “nghe trẻ em khóc, trẻ em cười”. Và chỉ như thế, cổ tích và cuộc sống mới không quá xa xôi.